Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ phải chuyển đổi sản xuất lúa gạo sang các cây trồng khác để đảm bảo an ninh lương thực
06 | 07 | 2018
Theo một nghiên cứu mới đây, Ấn Độ phải chuyển đổi từ hệ thống sản xuất chủ yếu là lúa gạo và lúa mỳ sang các cây trồng khác tốt hơn cho sức khỏe và môi trường.

Các ước tính hiện nay cho thấy Ấn Độ sẽ phải sản xuất lương thực cho thêm 400 triệu người từ nay đến năm 2050 – một nhiệm vụ rất khó khăn, xét đến thực trạng Ấn Độ vốn đang phải giải quyết vấn đề thiếu dinh dưỡng và thiếu nước trên diện rộng. Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học quốc tế nhằm giải quyết hai mục tiêu chính của chính phủ Ấn Độ – cải thiện dinh dưỡng quốc gia và thúc đẩy sử dụng nước bền vững.

Hiện, gần 1/3 dân số Ấn Độ bị thiếu máu và nhiều khu vực rộng lớn của nước này đang thiếu nước nghiêm trọng do tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và lượng mưa trong những mùa mưa gần đây đều giảm.

Các khẩu phần ăn của người Ấn Độ phần lớn bao gồm các loại ngũ cốc, nhưng các nhà khoa học đề xuất rằng các loại ngũ cốc được ưa chuộng hiện nay đều góp phần khiến các vấn đề trên trở nên nghiêm trọng hơn. “Nếu chúng ta tiếp tục tiêu dùng gạo và lúa mỳ, cộng với sử dụng nguồn lực không bền vững và tăng biến đổi khí hậu, không rõ chúng ta có thể duy trì tình trạng này bao lâu nữa”, theo tiến sỹ Kyle Davis, nhà khoa học thuộc đại học Colombia, dẫn đầu nghiên cứu. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nghĩ những cách tốt hơn để gắn các mục tiêu an ninh lương thực và môi trường với nhau”.

Nhóm nghiên cứu xem xét 6 loại ngũ cốc hiện được trồng tại Ấn Độ: lúa gạo, lúa mì, ngô, hạt kê, cao lương và mần trầu. Các kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, cho thấy rằng gạo là loại ngũ cốc kém hiệu quả nhất về nước tại Ấn Độ và lúa mỳ đóng vai trò lớn trong tình trạng mất nước do nhu cầu thủy lợi cao của loại cây trồng này. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xem xét giá trị dinh dưỡng của các loại lương thực này về khía cạnh calories, protein, sắt và kẽm. Các lợi ích tiềm năng của việc thay thế gạo với các cây trồng khác có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng khác nhau, phụ thuộc vào mức độ phụ thuộc vào lượng mưa, thay vì hệ thống thủy lợi, của các loại cây trồng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thay thế lúa gạo bằng ngô, mần trầu, cao lương, hay kê có thể giảm nhu cầu nước thủy lợi tới 33%, trong khi mức độ cải thiện sắt là 27% và kẽm là 13%.

Trong một số trường hợp, những lợi ích này đi kèm với vấn đề giảm nhẹ hàm lượng calories, do lúa gạo thường có năng suất cao hơn trên cùng diện tích canh tác. Tại một số khu vực, có sự đánh đổi giữa hiệu quả sử dụng đất và nước, nhưng ông Davis cho rằng với sự quan tâm hơn từ phía các nhà khoa học, các cây trồng thay thế có thể mang lại năng suất cao hơn. “Hiện thay thế lúa gạo không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề, nhưng cần có sự đánh giá từng cây trồng, ở từng khu vực cụ thể”.

Phần lớn nguyên nhân phụ thuộc vào lúa gạo và lúa mỳ của Ấn Độ là từ “Cách mạng xanh” hồi thập niên 1960s, một giai đoạn phổ biến rộng khắp các công nghệ nông nghiệp mới, dẫn đến tăng mạnh sản xuất trồng trọt. Các cải cách này đã đóng một vai trò quan trọng trong giảm tình trạng đói ăn trên khắp Ấn Độ nhưng cũng phải trả giá về môi trường, nhất là phát thải khí nhà kính và ô nhiễm.

Ông Davis cho rằng thay đổi thói quen ăn uống của hơn 1 tỷ người rất khó khăn, nhưng vẫn có những khu vực tại Ấn Độ mà người dân đang tiêu dùng lượng lớn các loại ngũ cốc khác. Một số bang cũng đang tập trung thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các loại ngũ cốc thay thế và chính phủ Ấn Độ gọi năm 2018 là “Năm của các loại kê”. “Nếu chính phủ có thể khiến mọi người quan tâm hơn tới tiêu dùng kê, sản xuất sẽ tăng lên tương ứng nhu cầu”, ông Davis nhấn mạnh. “Nếu nhu cầu tăng thì mọi người sẽ trả giá cao hơn cho hàng hóa ấy và nông dân sẽ sẵn sàng tăng trồng trọt”.

Một cuộc cách mạng nông nghiệp như vậy có thể tiến xa hơn nếu Ấn Độ bắt đầu cung cấp cho nông dân trồng các loại ngũ cốc khác các chính sách khuyến khích sản xuất tương tự như lúa gạo và lúa mì.

Theo Independent, The Hindu Business Line (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường