Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường Lúa gạo tháng 9/2018
05 | 10 | 2018
Bản tin phân tích thị trường Lúa gạo tháng 9/2018

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2018 ước đạt 443 nghìn tấn với giá trị đạt 212 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 với 23,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,02 triệu tấn và 529,9 triệu USD, giảm 34,9% về khối lượng và giảm 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia (gấp 67 lần), Irắc (gấp 3 lần), Hồng Kông (tăng 70,6%), Philippine (tăng 67,4%) và Malaysia (tăng 26,9%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Về loại gạo xuất khẩu, trong tháng 8/2018, giá trị xuất khẩu gạo trắng 5% tấm chiếm 38,5% tổng kim ngạch, gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 29,3%, gạo nếp chiếm 8% và gạo Nhật (Japonica) chiếm 7%. Thị trường xuất khẩu gạo Nhật (Japonica) lớn nhất của Việt Nam là Papua New Guinea, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Nhật, đạt 15 triệu USD. Với gạo thơm và gạo Jasmine, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Ghana (chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo thơm và gạo Jasmine, đạt 31 triệu USD). Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm 69% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 17 triệu USD. Giá trị xuất khẩu gạo nếp trong tháng 8/2018 đã tăng gấp 2,5 lần so với tháng 7/2018.

Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến trái chiều trong tháng 9/2018. Giá lúa tại An Giang giảm mạnh do mưa lũ làm lúa bị gãy đổ, chất lượng kém, trong khi giá lúa tại Bạc Liêu tăng và ổn định tại Kiên Giang. Tại An Giang, lúa IR50404 giảm 700 đ/kg, từ 5.200 đ/kg xuống còn 4.500 đ/kg; gạo tẻ IR50404 ổn định mức 10.000 đ/kg; gạo chất lượng cao ở mức 12.500 đ/kg; gạo thơm đặc sản Jasmine 14.000 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa tươi OM 5451, OM 6976 giữ ở mức 4.800 đ/kg; Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 5.800 – 5.900 đ/kg; lúa OM 4218 giảm 100 đ/kg xuống 6.100 - 6.200 đ/kg; lúa OM 6976 tăng 100 đ/kg lên mức 6.300 - 6.400 đ/kg; lúa Jasmine ở mức 7.000 – 7.200 đ/kg.

Dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý 4/2018 do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng của các nước Phillipine, Hàn Quốc, Nigeria và Ai Cập, Indonesia tăng. Do ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut đã làm tổn thất khoảng 250 nghìn tấn lúa tại Phillipine; giá gạo nội địa tại nước này hiện đang cao hơn 15-20% so với giá cùng kỳ năm ngoái. Do đó, chính phủ Phillipines sẽ sớm nhập khẩu thêm gạo theo cả hợp đồng chính phủ (G2G) và tăng hạn ngạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp tư nhân, để sớm bổ sung kho dự trữ t và ổn định giá gạo trong nước. Chính phủ Hàn Quốc sẽ nhập khẩu thêm 350 nghìn tấn gạo để dự trữ trong nước và hỗ trợ quốc tế. Tại Nigeria, lũ lụt tàn phá 21 ngàn ha lúa (tương đương với 168 ngàn tấn gạo) sắp thu hoạch đã khiến giá gạo tại nước này tăng đột biến. Tuy chính phủ Nigeria đã ra lệnh cẩm nhập khẩu gạo từ đầu năm nay, nhưng trước nguồn cung hạn hẹp trong nước, nước này có thể sớm phải nhập khẩu thêm gạo. Ai Cập cũng vừa đồng ý sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trắng từ Việt Nam trong 3 đến 4 tháng tiếp theo sau khi cắt giảm diện tích canh tác lúa do thiếu nước. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng tới có thể chững lại do từ cuối tháng 9/2018, một số tỉnh như Vân Nam, Cát Lâm đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, nguồn cung trong nước sẽ tăng. Xuất khẩu gạo sang Indonesia trong tháng tới cũng được dự báo chững lại khi chính phủ Indonesia vừa hủy quyết định nhập khẩu 600 nghìn tấn gạo, sau khi Bộ Nông nghiệp nước này dự bảo sản lượng gạo năm nay đạt 83 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm ngoái.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong các tháng cuối năm của các thị trường truyền thống tăng. Trong khi đó, nguồn cung gạo trong nước đang bị ảnh hưởng do mùa lũ năm nay tại vùng ĐBSCL nước lớn hơn năm ngoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời, tập trung thu mua lúa dự trữ chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần chủ động làm việc với các nước nhập khẩu xác định nhu cầu để định hướng tốt cho sản xuất.

Theo IPSARD-MARD



Báo cáo phân tích thị trường