Giá gạo xuất khẩu giảm trong tuần này trên thị trường quốc tế do đồng Rupee giảm giá nhưng không làm tăng nhu cầu đối với gạo Ấn Độ; nhưng khả năng Philippines bắt đầu đặt hàng và các nhu cầu từ thị trường khác có thể tạo ra cú hích mới cho các nhà xuất khẩu gạo tại Thái Lan và Việt Nam.
Tại nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% Ấn Độ giảm 3 USD/tấn trong tuần này xuống còn 386 – 390 USD/tấn. Đồng Rupee đã giảm giá hơn 10% so với đồng USD từ đầu năm 2018 đến nay, chạm mức thấp kỷ lục ngày 30/8, giúp tăng biên lợi nhuận xuất khẩu cho các thương nhân Ấn Độ. “Hiện nhu cầu yếu. Ngay cả khi giá gạo giảm, những người mua Châu Phi vẫn im ắng trên thị trường”, một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh cho hay. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ từ tháng 4 – 7/2018 đạt 4,15 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ nhu cầu tăng từ Senegal, Benin và Iran, theo các nhà chức trách Ấn Độ cho hay.
Tại Thái Lan, đồng nội tệ mạnh lên, giá gạo 5% tấm chào bán tuần này ở mức 393 – 395 USD/tấn, FOB Bangkok, giảm biên độ dao động so với mức 390 – 395 USD/tấn hồi tuần trước. “Chúng tôi vẫn chưa có đơ hàng nào mới nhưng một số nhà xuất khẩu gạo đang kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng trong tháng 9 từ các thị trường châu Á như Philippines và Trung Quốc”, một thương nhân tại Bangkok cho hay.
Philippines sẽ nhập khẩu bổ sung 132.000 tấn gạo để tăng cường dự trữ gạo cho các tỉnh phía nam, nơi giá gạo đang tăng mạnh trong những tuần gần đây do nguồn cung thấp, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cho biết hôm 29/8. Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm duy trì không đổi so với tuần trước, ở mức 395 – 400 USD/tấn, nhưng giá gạo Việt Nam dự báo sẽ tăng trong những tuần tới. “Vụ thu hoạch hè – thu sắp kết thúc và chúng tôi hay tin về các hợp đồng mới từ các khách hàng trong khu vực châu Á”, một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay. Tổng cục Thống kê hôm 29/8 cho biết nông dân tại các tỉnh ĐBSCL đã bắt đầu xuống giống vụ thu đông nhưng mưa kéo dài nên tiến độ xuống giống chậm.
Trong khi đó, nhập khẩu gạo của Bangladesh dự báo giảm xuống còn 600.000 tấn trong năm 2018-19, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo mới nhất. “Thuế nhập khẩu gạo cao sẽ làm giảm động lực nhập khẩu và tăng giá lúa nội địa, nhưng cũng có thể sẽ tác động lên thị trường bán lẻ và gánh nặng giá sẽ chuyển sang tay người tiêu dùng”. Bangladesh nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 do lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất lúa gạo nôid địa, đã áp mức thuế nhập khẩu gạo 28% để hỗ trợ nông dân sau khi sản xuất lúa gạo địa phương phục hồi. Năm 2017-18, nhập khẩu gạo của Bangladesh đạt mức cao kỷ lục 3,9 triệu tấn, theo dữ liệu Bộ Thực phẩm Bangladesh cho thấy.
Theo Reuters