Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu chất lượng của Trung Quốc
30 | 08 | 2018
Để duy trì xuất khẩu gạo sang Trung Quốc – một thị trường lớn của xuất khẩu gạo Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, tiến hành xuất khẩu chính ngạch thay vì giao thương biên mậu, theo các chuyên gia khuyến nghị.

Theo Cục Chế biến Nông sản và Phát triển Thị trường, xuất khẩu gạo Việt Nam ước dạt 3,9 triệu tấn, trị giá gần 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2018, tăng 12,2% về lượng và 29,2% về giá trị. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26,8%, theo sau là Indonesia (18,2%) và Philippines (10,4%). Nhưng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 27,7% về lượng và 14,6% về giá trị trong cùng kỳ so sánh.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 891.000 tấn; trong đó gạo nếp chiếm tỷ trọng lớn. Tháng 7/2018, Trung Quốc đã nâng mức thuế nhập khẩu gạo từ các nước thành viên ASEAN, bao gồm mức thuế 50% đối với gạo nếp, so với mức chỉ 5% trước đó, khiến xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh. Một nguyên nhân khác là các nhà chức trách Trung Qốc kiểm soát nghiêm ngặt hơn, tăng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật đối với các nhà xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết các nhà xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn nhất định sau khi Trung Quốc điều chỉnh thuế đối với nhập khẩu gạo từ ASEAN. Các doanh nghiệp cho biết họ không ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo nếp như trước và hiện chủ yếu đang hoàn thành giao hàng cho các hợp đồng trước đó. Các doanh nghiệp đang kêu gọi nông dân giảm sản xuất lúa gạo nếp và chuyển sang các giống lúa khác để tránh phụ thuộc quá nặng nề vào Trung Quốc. Hiện hơn 80% xuất khẩu gạo nếp là dành cho thị trường Trung Quốc.

Một người phát ngôn từ một doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài và từ lâu xuất khẩu gạo phần lớn qua đường biên mậu. Nhưng phía Trung Quốc hiện muốn kiểm soát thương mại biên mậu để quản lý chất lượng tốt hơn và tránh thất thu thuế, đã yêu cầu các nhà nhập khẩu phải thực hiện nhập khẩu chính ngạch.

Do đó, để giữ thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, đồng thời cần đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc quá nặng nề vào một thị trường. Để giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Bộ Côgn thương đã mời 15 nhà nhập khẩu gạo từ Trung Quốc tới để thảo luận về xuất khẩu gạo chính ngạch.

Theo Vietnamnews



Báo cáo phân tích thị trường