Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 264.000 tấn với giá trị đạt 136 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 24% thị phần.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, Trung Quốc cũng đứng đầu tổng kim ngạch xuất khẩu gạo thơm và gạo Jasmine với 25%, và là thị trường chủ lực của gạo nếp Việt với 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo nếp.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết Trung Quốc là thị trường số 1 của gạo Việt Nam nhưng lại "nóng, lạnh" rất thất thường. Mới đây là việc chính phủ Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu nếp lên 50% khiến doanh nghiệp và nông dân trồng nếp lao đao.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Tác động của việc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến hàng nghìn tấn gạo nếp của các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường này bị đình trệ lại, buộc doanh nghiệp phải giảm giá xuống hoặc để tồn kho.
Còn ông Nguyễn Văn Đôn, GĐ Cty TNHH Việt Hưng thông tin, nếu không muốn phải chịu mức thuế nhập khẩu mới, doanh nghiệp có thể mua hạn ngạch nhập khẩu vào Trung Quốc (vì hạn ngạch thuế quan không bị điều chỉnh bởi chính sách thuế nhập khẩu mới). Tuy nhiên, khi mua hạn ngạch nhập khẩu, chi phí cho mỗi tấn gạo nếp nhập khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 120 USD. Do đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc (vốn vẫn còn một lượng gạo nếp tồn kho) đang mua khá ít hoặc chỉ mua với giá thấp.
Điều đó đã khiến cho giá gạo nếp nhập khẩu của Việt Nam giảm rất mạnh, từ mức 530 - 540 USD/tấn hồi đầu năm nay xuống chỉ còn dưới 400 USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp Việt Nam đang bị thua lỗ. Nhưng đáng lo ngại hơn là việc xuất khẩu gạo nếp đang gần như bị ngưng trệ kể từ khi Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo nếp lên tới 50%. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ lúa nếp của nông dân.
Rõ ràng, với tình hình thị trường tiêu thụ nếp hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Cục Trồng trọt và các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa cơ cấu chủng loại lúa gieo trồng, tránh mở rộng thêm diện tích trồng nếp trong vụ Thu Đông cũng như trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc là cần thiết, giúp ngành gạo Việt từng bước đi vào các hoạt động giao thương chính thức, hạn chế các giao dịch mua bán tiểu ngạch qua biên giới với rất nhiều rủi ro. Đồng thời qua đó nắm bắt được các chính sách mới về xuất nhập khẩu gạo của Trung Quốc, nhất là chính sách thuế.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực mở rộng thêm thị trường cho mặt hàng gạo nếp, nhất là các nước khu vực Trung Đông và các nước Đông Nam Á, để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo enternews.vn