Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo trở lại mốc 6 triệu tấn
07 | 11 | 2018
Với tình hình XK tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm, hết năm nay, XK gạo hoàn toàn có thể đạt từ 6 triệu tấn trở lên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến hết tháng 10, các DN đã XK được 5,2 triệu tấn gạo. Trong 2 tháng còn lại của năm, các DN chắc chắc sẽ XK được 800 ngàn tấn gạo, qua đó, giúp cho XK gạo cả năm nay đạt 6 triệu tấn. Như vậy, kể từ năm 2015, đến nay XK gạo mới quay trở lại mốc 6 triệu tấn (năm 2016 XK được 4,8 triệu tấn; năm 2017 là 5,79 triệu tấn).

Thực ra, nếu như có nguồn cung dồi dào, XK gạo cả năm nay hoàn toàn có thể vượt xa mốc 6 triệu tấn. Thông tin từ các doanh nhân ngành gạo cho thấy nhu cầu mua gạo của nhiều nước đang tăng lên trong những tháng cuối năm. Mới đây, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã công bố thư mời thầu về việc mua 500 ngàn tấn gạo 25%, trong đó có 250 ngàn tấn sẽ được giao về các cảng của nước này trước ngày 31/12/2018, 250 ngàn tấn còn lại giao trước 31/1/2019.

Bên cạnh đó, NFA còn dự kiến tổ chức một phiên đấu thầu khác để mua cho đủ 250 ngàn tấn theo kế hoạch trước đó, bởi tại phiên đấu thầu ngày 18/10, NFA mới chỉ mua được 47 ngàn tấn (29 ngàn tấn từ Việt Nam và 18 ngàn tấn từ Thái Lan). Như vậy, nếu như phiên đấu thầu để mua đủ 250 ngàn tấn gạo nói trên được tổ chức thành công, thì chỉ tính từ nay tới cuối năm, Philippines sẽ NK tới trên 450 ngàn tấn gạo (chưa tính lượng gạo đang được giao từ những lô hàng đã đấu thầu thành công).

Ngoài Philippines, nhiều nước khác cũng tăng nhu cầu NK gạo trong quý 4 như Hàn Quốc, Ai Cập, Nigieria… Ai Cập đã đồng ý NK 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam sau khi nước này cắt giảm diện tích canh tác lúa do thiếu nước.

Trong năm nay, Chính phủ Ai Cập chỉ cho phép canh tác lúa trên diện tích 724.000 feddan (tương đương 304.080 ha), giảm mạnh so với mức quy định 1,1 triệu feddan trong năm 2017. Điều này khiến cho sản lượng gạo của Ai Cập dự kiến sẽ giảm khoảng 1 triệu tấn xuống còn 3,3 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ vào khoảng 4 triệu tấn. Hàn Quốc sẽ NK thêm 350 ngàn tấn gạo để tăng dự trữ trong nước và hỗ trợ quốc tế. Nigieria vốn không định NK gạo trong năm nay, nhưng lũ lụt khiến cho nước này bị thiệt hại 168 ngàn tấn gạo, khiến cho giá gạo nội địa tăng lên do nguồn cung hạn hẹp. Trước tình hình đó, nước này có thể sớm phải NK thêm gạo…

Với nhu cầu cao trên thế giới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo rằng, trong năm nay, XK gạo cả nước có thể đạt từ 6,1-6,4 triệu tấn, giá trị khoảng 3,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu NK gạo trên thế giới đang tăng lên, thì nguồn cung gạo hàng hóa ở Việt Nam lại đang khá hạn hẹp. Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho hay, khách hàng nước ngoài hỏi mua gạo rất nhiều nhưng các DN hiện không có đủ gạo để bán. Còn theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, lượng gạo mà các DN đã ký hợp đồng XK nhưng chưa giao hàng vào khoảng 1,2 triệu tấn, trong khi lượng gạo còn tồn trong kho của các DN hiện chỉ khoảng 880 ngàn tấn. Điều này cũng cho thấy rõ nguồn cung gạo hàng hóa trong nước hiện đang thiếu hụt ra sao so với nhu cầu XK.

Thiếu gạo vẫn tranh nhau bán

Theo ông Phạm Thái Bình, một điều đáng buồn là dù năm nay thị trường thuận lợi nhưng vẫn xảy ra tình trạng DN tranh nhau bán hàng, thậm chí hạ giá xuống thấp để trúng thầu cho bằng được. Điển hình là hồi tháng 5/2018, Hàn Quốc mở thầu NK 70 ngàn tấn gạo lức hạt ngắn, loại lúa mà ở Việt Nam đang trồng được khá thuận lợi ở vùng Từ giác Long Xuyên. 

Việt Nam chỉ có 2 DN tham gia đấu thầu và cả 2 DN này đều biết trước rằng nếu bỏ thầu với giá 700 USD/tấn trở xuống thì Việt Nam chắc chắn trúng thầu. Thế nhưng 1 trong 2 DN Việt Nam vẫn chào thầu với giá rất thấp. Cụ thể, trong 70 ngàn tấn gạo đó Trung Quốc trúng thầu 20 ngàn tấn với giá 706 USD/tấn. Còn Việt Nam trúng thầu 50 ngàn tấn với giá chỉ 640 USD/tấn. Tính ra, chỉ vì thiếu vốn, phải tranh nhau bán hàng cho bằng được, DN Việt Nam đã làm đi mất 3 triệu USD, tương đương 70 tỷ đồng so với giá Trung Quốc trúng thầu.

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường