Tham vọng của các chuỗi cà phê Nhật Bản tại thị trường châu Á
Các chuỗi cửa hàng cà phê đặc sản tại Nhật Bản đang đẩy mạnh việc thâm nhập vào thị trường châu Á với tham vọng đánh bại các ông lớn trong ngành như Starbucks tại khu vực này bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm.
Sarutahiko Coffee dự kiến sẽ mở tại Thái Lan và Hong Kong trong đầu năm sau với sự trợ giúp của tập đoàn Mitsubishi Corp. Hiện tại, Mitsubishi Corp. đang chiếm gần 15% (tương ứng với 4.6 triệu USD) cổ phần của Sarutahiko Coffee, theo Nikkei Asia Review.
Sarutahiko Coffee có 16 cửa hàng bao gồm ba cửa hàng tại Đài Loan và số còn lại ở Tokyo. Công ty dự định nâng số lượng cửa hàng của mình lên 30 trong vòng 3 năm tới, với đích nhắm là thị trường châu Á. Mức giá ở thị trường nước ngoài có thể cao hơn so với giá trung bình ở Nhật Bản là 500 yen/cốc.
Ở một diễn biến khác, công ty Doutor Nichires Holdings dự định mở rộng chuỗi cà phê Hoshino Coffee ở thị trường Đài Loan trong năm tài khóa 2020. Chuỗi cà phê này đang rất mạnh ở Singapore, chiếm 10 trong tổng số 14 cửa hàng ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, Hoshino Coffee đã có mặt tại Malaysia và Indonesia. "Công ty sẽ sớm có lãi", ông Masanori Hoshino, chủ tịch Hoshino Coffee nói.
Thế hệ Y và những thế hệ khác ở khu vực Đông Nam Á là những khách hàng chiếm số lượng đông đảo trong văn hóa uống cà phê. Starbucks đang vận hành tới hơn 1.000 cửa hàng tại khu vực này trong đó có Thái Lan vá Malaysia. Những "ông lớn" địa phương như Trung Nguyên hay True Coffee (Thái Lan).
"Cuộc chiến" chuỗi cà phê càng nóng thêm khi chính công ty của Thái Lan mua lại số lượng lớn cửa hàng trong chuỗi cà phê nước ngoài.
Cụ thể, trong một bài báo đăng tải hồi tháng 6, Nikkei Asia Review cho biết Tập đoàn Charoen đã chi 500 triệu USD để thâu tóm quyền vận hành 372 cửa hàng Starbucks tại Thái Lan. Động thái này được cho là sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Charoen tại thị trường nội địa.
Ông Tomoyuki Otsuka, chủ tịch đồng thời là CEO của Sarutahiko cho biết: "Những khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm của Starbucks cũng sẽ sẵn sàng đón nhận dịch vụ theo phong cách Nhật Bản".
Nhân viên pha chế tại Sarutahiko. Ảnh: Nikkei Asia Review
Thị trường cà phê tại Singapore, Indonesia và bốn thị trường khác dẫn đầu tại Đông Nam Á dự kiến kiến sẽ tăng từ 6,3 tỉ USD lên 7,2 tỉ USD vào năm 2023, theo tổ chức Euromonitor International.
Nhận thức việc đảm bảo lợi ích của người nông dân và việc canh tác cà phê bền vững công ty Komeda Holdings, chủ sở hữu chuỗi cà phê Komeda's Coffee, đã bắt đầu mua cà phê từ trung tâm giao dịch nông sản của SIngapore là Olam International.
Hiện tại, Olam xếp loại hạt cà phê dựa trên khả năng truy suất nguồn gốc và năng lực phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bài học từ sự thất bại của các hãng cà phê ngoại tại Việt Nam
Nếu những chuỗi cà phê lớn của Nhật Bản coi Starbucks là đối thủ lớn ở thị trường châu Á thì ở Việt Nam điều này chưa chắc bởi sức ép từ các chuỗi cà phê nội địa thậm chí còn lớn hơn.
Với sức nóng cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường cà phê Việt Nam, trong những năm qua, nhiều chuỗi cà phê ngoại đã phải nói lời "chào tạm biệt" với quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Theo trang Retail News Asia, tháng 4/2017, chuỗi cà phê Gloria Jean's Coffee của Australia đã đóng cửa cửa hàng cà phê cuối cùng của mình tại quận 7, TP HCM sau 10 năm hoạt động.
Khi mới vào Việt Nam vào năm 2007, Gloria Jean's Coffee đặt mục tiêu mở 20 cửa hàng trong vòng hai năm tiếp theo với đối tượng khách hàng hướng tới chủ yếu là những người trẻ, du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, cửa hàng tại đường Đồng Khởi phải đóng cửa một phần do chi phí mặt bằng cao. Những năm sau đó, hàng loạt cửa hàng cũng đóng cửa theo. Tính đến cuối năm 2016, Gloria Jean's Coffee chỉ còn lại hai cửa hàng.
Trả lời phỏng vấn tờ VnExpress (bản tiếng Anh), bà Nguyễn Phi Vân, chủ cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của Gloria Jean's in Vietnam cho rằng nguyên của sự thất bại của Gloria Jean's Coffee tại Việt Nam là "rập khuôn" mô hình kinh doanh đã thành công ở Australia vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù thời gian sau, Gloria Jean's Coffee cho phép các cửa hàng ở Việt Nam tùy biến nhưng cũng không thể nào tồn tại được bởi các đối thủ nội địa quá lớn, trong đó có The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên và Highlands bởi giá đồ uống của các cửa hàng này thấp hơn.
Cũng chịu cảnh tương tự, năm 2016 chuỗi cà phê NYDC (New York Desert Cafe) của Singapore cũng phải đóng cửa sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam. Theo trang Insider Retail, hai nguyên nhân chính khiến NYDC phải đóng cửa.
Đầu tiên, giống như Gloria Jean's Coffee, NYDC phải chịu áp lực cạnh tranh từ các chuỗi cà phê lớn của Việt Nam như Trung Nguyên, The Coffee House…
Nguyên nhân thứ hai là sự xuất hiện của Starbucks tại Việt Nam năm 2012 càng gia tăng sức ép. Trước đó, NYDC cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các hãng cà phê ngoại như Coffee Bean hay Tea Leaf.
Đối với Starbucks, chuỗi cà phê này đang phải đối mặt với thực tế rằng số lượng cửa hàng của họ không nhiều bằng các đối thủ trong nước.
Theo Nikkei Asia Review, các chuỗi cà phê trong nước am hiểu về thị trường nội địa hơn các hãng nước ngoài như Starbucks.
Trong đó, chuỗi có tốc độ tăng trưởng số lượng cửa hàng nhanh nhất là The Coffee House. Nhà sáng lập The Coffee House ông Nguyễn Hải Ninh cho biết: "Chúng tôi dự định mở khoảng 700 cửa hàng mới tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới với tốc độ mở rộng trung bình 10 cửa hàng/tháng".
Cộng Cà Phê kể từ khi thành lập vào năm 2007 đã có hơn 50 cửa hàng tính đến năm 2018 và dự kiện tốc độ mở rộng khoảng 1 - 2 cửa hàng/tháng đến năm 2020.
Trong khi đó, Starbucks bước đi chậm chạp hơn kì vọng khi sau 5 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, số lượng cửa hàng mới dừng lại ở con số 38, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như ở Thái Lan (330 cửa hàng), Indonesia (hơn 320 cửa hàng) hay Malaysia (hơn 190 cửa hàng).
Các chuỗi cửa hàng này am hiểu về văn hóa uống cà phê của người Việt Nam và đặt ra mục tiêu cụ thể đối với từng nhóm khách hàng mà họ phục vụ, bà Phương Nguyễn, một chuyên gia nghiên cứu thị trường cho biết.
Đồ uống đa dạng với giá cả phải chăng đã giúp các chuỗi này thu hút lượng lớn khách hàng từ học sinh đến người đi làm. Đồng thời, khách hàng có không gian làm việc và ngồi tại quán nhiều giờ đồng hồ mà không lo gián đoạn internet.