Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm vụ Đông Xuân để né hạn, mặn
30 | 09 | 2019
Trong bối cảnh lũ thấp cộng thêm lượng mưa ít, tình hình hạn, mặn năm 2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ đến sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm.

Theo dự báo, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 được dự báo sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 10 với mực nước trên mức báo động một khoảng 0,2m và sau đó sẽ giảm nhanh.

Trong bối cảnh lũ thấp cộng thêm lượng mưa ít, tình hình hạn, mặn năm 2020 được dự báo sẽ đến sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm. Do đó, ngành nông nghiệp đã lên kế hoạch xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực này nhằm “né” hạn, mặn khốc liệt có thể xảy ra khi vào mùa khô 2020.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết kể từ tháng 7/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những cảnh báo về tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2020.

Tại Hội nghị triển khai sản xuất ở Hậu Giang vào tháng 7/2019, bộ cũng đã có những cảnh báo kết thúc việc thu hoạch sớm vụ Thu Đông 2019 để triển khai xuống giống và thu hoạch sớm vụ Đông Xuân 2019-2020.

Trong điều kiện bình thường, diện tích lúa Đông Xuân hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu ha. 

Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm 50.000ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra như dự báo.

Cùng với đó, khung thời vụ cũng sẽ được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10/2019. Cụ thể, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… sẽ xuống giống sớm, từ 10-30/10/2019 với diện tích khoảng 400.000ha, tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000ha.

Theo ông Lê Thanh Tùng, mùa khô năm 2016, các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã bị thiệt hại do hạn, mặn khoảng 150.000ha lúa, cho nên vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ tăng diện tích xuống giống sớm.

Đối với diện tích lúa Đông Xuân giảm trong vụ 2019-2020 (khoảng 50.000ha), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi những diện tích nằm ở địa hình cao sang cây trồng cạn. Còn những diện tích thấp cần tăng cường sản xuất lúa-tôm.

Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng nặng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi ở các cửa sông Cửu Long ngay từ tháng 1, 2/2020 và sẽ gây thiệt hại cho khoảng 100.000ha lúa Đông Xuân 2019-2020 ở các địa phương ven biển và những thửa ruộng cao.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, sau khi xảy ra đợt hạn, mặn năm 2016, thì hệ thống công trình thủy lợi của Đồng bằng sông Cửu Long đã có đầu tư nâng cấp, tu bổ mới cũng như hệ thống kênh nội đồng đã được nạo vét.

Về mặt phi công trình, Cục Trồng trọt cũng đã in ấn các tài liêu sử dụng nước cho cây lúa, cây ăn trái và sắp tới sẽ cho in thêm tài liệu sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản và những thông tin tổng quan về tình hình hạn, mặn của năm nay để gửi cho nông dân.

Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, cho biết chế độ thủy triều của sông Mekong năm nay rất đặc biệt, dị thường. Cụ thể, vào cuối tháng Tám đầu tháng 9/2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào), mưc nước đang ở mức thấp nhất lịch sử. 

Tuy nhiên, đến giữa tháng Chín, mực nước đã lên vượt mức cao nhất từng được ghi nhận. Và đến thời điểm này, nước lại xuống thấp như trước đó. Chính tình hình mưa bão bất thường ở thượng nguồn đã gây nên hiện tượng trên.

Ngoài ra, Biển Hồ - nơi đóng vai trò trữ nước đang bị bồi lắng, lượng nước ít hơn trước, cùng với Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún khiến nước từ Biển Hồ khi vào Việt Nam sẽ chảy thoát ra biển nhanh hơn, không giữ lâu được.

“Từ những yếu tố trên, nếu sang năm 2020 không có mưa trái mùa thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với một đợt hạn hán, xâm nhập mặn khá gay gắt. Có thể tương đương hoặc nặng nề hơn năm 2016” - ông Vinh nói.

 
Theo Vietnambiz

 



Báo cáo phân tích thị trường