Tại một quốc gia nơi thịt heo là nguồn protein chính, dịch tả heo châu Phi (ASF) là nhân tố khiến nguồn cung thịt giảm mạnh, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo công bố hồi tháng 9.
Dịch ASF, virus có sức lây nhiễm cao và nguy hiểm, đã dẫn tới việc tiêu hủy khoảng 1,17 triệu con heo tại Trung Quốc, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).
Trung Quốc là nhà tiêu thụ thịt heo lớn nhất, và cũng là nhà sản xuất thịt heo số một thế giới trong năm 2018, công ty dữ liệu Statista cho hay.
Khủng hoảng nguồn cung
Với nguồn cung giảm, có thể sẽ cần nhập khẩu thêm thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, theo báo cáo của Fitch. Bên cạnh đó, các lựa chọn mới sẽ cần được nghiên cứu và khuyến khích để tăng nguồn cung thịt.
Thịt nhân tạo là một lựa chọn.
Trong năm 2018, ngành công nghiệp thịt thực vật của Trung Quốc trị giá 910 triệu USD, tăng 14,2% so với năm trước đó, theo một báo cáo của Good Food Institute. Trong khi thị trường Mỹ đạt 684 triệu USD, tăng 23%.
Xu hướng thịt nhân tạo có thể được xem là bước tiếp theo của truyền thống này thay vì một phát triển hoàn toàn mới.
Fitch Solutions
Theo ông Simon Powell, một nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Jefferies, dịch ASF sẽ là một điểm tích cực đối với ngành thịt thay thế của Trung Quốc.
Bệnh dịch đã khiến thị trường thịt heo của quốc gia châu Á giảm 20 triệu tấn thịt, theo ông Powell. Với sự sụt giảm này, người tiêu dùng có thể quay sang thịt nhân tạo như một lựa chọn thay thế.
"Tôi nghĩ sẽ có sự gia tăng đáng kể đối với nguồn protein, thịt thay thế tại đây", ông nói với CNBC.
Môi trường, sức khỏe và truyền thống
Một yếu tố khác hỗ trợ xu hướng thịt nhân tạo là ẩm thực Trung Quốc, Fitch Solutions cho biết trong báo cáo. Nguyên nhân là thịt nhân tạo làm từ thực vật, đậu phụ hoặc mì căn (seitan), là nguyên liệu truyền thống được sử dụng trong bữa ăn của người Trung Quốc.
Thực tế, một số chuyên gia cho biết người Trung Quốc bắt đầu ăn thịt nhân tạo từ thời nhà Đường, hay hơn 1.000 năm trước.
"Xu hướng thịt nhân tạo có thể được xem là bước tiếp theo của truyền thống này thay vì một phát triển hoàn toàn mới", báo cáo chỉ ra.
Nhân công Trung Quốc đang sử dụng công nghệ truyền thống để sản xuất đậu phụ tại xưởng sản xuất gia đình. Ảnh: Getty Images/CNBC.
Vấn đề môi trường, đạo đức và sức khỏe có thể cũng đứng sau sự tăng trưởng nhu cầu đối với thịt nhân tạo tại Trung Quốc, theo báo cáo của Fitch.
Thế hệ Y ( Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và những người ăn chay linh hoạt, người giảm lượng thịt hấp thụ vì lí do sức khỏe hoặc môi trường, có thể dẫn tới sự phát triển của thịt thay thế, ông Powell cho hay.
Tuy nhiên, theo CNBC, dù xu hướng này đang gia tăng, có thể sẽ cần một thời gian trước khi việc tiêu thụ thịt nhân tạo tại Trung Quốc trở nên phổ biến.
Theo ông Powell, không ai cho rằng tiêu thụ thịt heo nhân tạo sẽ có qui mô lớn, đặc biệt khi thịt heo rất quan trọng đối với mỗi bữa ăn của người Trung Quốc.
Nhu cầu đối với thịt của Trung Quốc vẫn luôn ở mức cao. Năm 2018, quốc gia châu Á chiếm khoảng 46% tổng khối lượng tiêu thụ thịt heo của thế giới, theo dữ liệu của OECD.