Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo thu về hơn 2,4 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm
19 | 11 | 2019
10 tháng đầu năm 2019, giá gạo xuất khẩu dù giảm mạnh khiến giá trị thu về cũng sụt giảm theo. Tuy nhiên, tại nhiều thị trường, gạo Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh về lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh cả về lượng và giá trị

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2019 ước đạt gần 500.000 tấn với giá trị đạt 228 triệu USD.

Cộng dồn khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỉ USD, tăng hơn 6% về khối lượng nhưng giảm hơn 9% về giá trị so với cùng kì năm 2018. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 435,6 USD/tấn, giảm 13,4% so với cùng thời gian của năm ngoái.

Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu, Philippines đứng vị trí thứ nhất chiếm hơn 35% thị phần, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,9 triệu tấn, trị giá 773,8 triệu USD, gấp gần 3 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với 9 tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh như Xenegal tăng gấp 297 lần, Bờ Biển Ngà tăng đến 81,8%, Australia tăng gần 70%, Hong Kong tăng gần 47% và Irắc tăng 32,7%. 

Trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ sụt giảm do khách hàng trì hoãn mua vào mặc dù giá đang ở mức thấp 4 tháng, trong khi nguồn cung bị thắt chặt khiến giá gạo Việt Nam đứng ở mức cao nhất trong 2 tháng qua. 

Theo Bộ NN&PTNT có vẻ như nhu cầu mới đối với gạo Thái Lan sẽ không đến trong ngắn hạn, thậm chí là trong tháng sau.

Gạo đồ 5% tấm Ấn Độ từ 369 – 373 USD/tấn lên 368 – 372 USD/tấn, sau đó giảm trở lại mức 365 – 370 USD/tấn. 

Gạo 5% tấm của Thái Lan từ 396 – 417 USD/tấn giảm xuống 395 – 400 USD/tấn (FOB Băng Cốc). Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam từ 330 – 340 USD/tấn lên 350 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). 

Giá lúa, gạo ĐBSCL tăng tích cực

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500 đồng/kg, từ 4.300 đồng/kg lên 4.800 đồng/kg, lúa OM 5451 giữ ở mức 5.100 - 5.400 đồng/kg; lúa OM4218 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.000 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông tại huyện Vũng Liêm tăng 200 đồng/kg lên mức 4.300 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. 

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.300 đồng/kg; lúa OM 4218 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine ổn định ở mức 5.800 – 6.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trong tháng qua do nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp, với phần lớn diện tích lúa Thu Đông ở khu vực ĐBSCL đã được thu hoạch và tiêu thụ hết.

Trong khi gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng

 



Báo cáo phân tích thị trường