Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh doanh gạo gặp khó, Vinafood 2 trông cậy vào đất vàng
11 | 11 | 2019
Gặp khó vì thị trường lúa gạo không thuận lợi cùng khoản lỗ khủng sau cổ phần hóa, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang muốn bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh mới dựa trên lợi thế đất vàng.

Cắt “u nhọt” giai đoạn trước cổ phần hóa

Bản kế hoạch kinh doanh của Vinafood 2 trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu khi doanh nghiệp này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 10/2018 ghi một đoạn chú thích ngắn về các tồn tại tài chính: “Hơn 1.000 tỷ đồng chưa được xử lý dứt điểm trước đây phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xử lý tổn thất, dẫn đến kết quả kinh doanh các năm sau cổ phần hóa có thể phát sinh lỗ lớn”.

Thực tế, ngay kỳ kinh doanh đầu tiên với mô hình công ty cổ phần, Vinafood 2 đã mạnh tay trích chi phí dự phòng 1.785 tỷ đồng, phần lớn là dự phòng nợ phải thu, bên cạnh 425 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính và 41,5 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Vì vậy, giá trị tổng tài sản của Vinafood 2 từ mức 8.960 tỷ đồng (ngày 9/10/2018) đã “bốc hơi” 23%, còn hơn 6.900 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Thay vì kế hoạch cổ tức 2,53% cho 4 tháng cuối năm 2018 và năm 2019 theo phương án cổ phần hóa được duyệt, tỷ lệ này sẽ về 0% và có thể còn kéo dài đến khi Vinafood 2 khắc phục được thua lỗ.

Tuy nhiên, khoản lỗ phát sinh trong 4 tháng cuối năm 2018 không chỉ đến từ việc thẳng tay cắt “khối u” giai đoạn trước. Vinafood 2 còn phải gánh lỗ 51,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chủ lực. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng giám đốc Vinafood 2, tại các thị thường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Malaysia, Tổng công ty đều gặp sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp Thái Lan, khiến biên lãi gộp mỏng (chỉ đạt 5,4% vào quý IV/2018), lợi nhuận gộp không đủ bù đắp định phí như chi phí quản lý chung, khấu hao tài sản cố định…

9 tháng đầu năm 2019, dù tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đã cải thiện lên mức 9,6%, nhưng do các khoản chi phí lớn, trong đó lớn nhất là chi phí bán hàng, khiến Vinafood 2 tiếp tục báo lỗ gần 74 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến ngày 30/9/2019 đã tăng lên 1.900 tỷ đồng, ăn mòn tới 38% vốn điều lệ.

Năm 2019 cũng là năm không mấy thuận lợi với thị trường lúa gạo, khi giá lúa giảm mạnh từ đầu năm. Thậm chí, có thời điểm, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu mua sớm 200.000 tấn gạo dự trữ. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm tới 13,4% so với cùng kỳ. Sản lượng gạo Việt Nam bán ra dù tăng, nhưng giá trị xuất khẩu 9 tháng vẫn giảm hơn 10%, chỉ đạt 2,2 tỷ USD.

Sự cạnh tranh trong ngành tăng lên mạnh mẽ khi có thêm một số nước như Campuchia, Myanmar, Pakistan gia nhập. Cùng đó, sau khi hàng loạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay đổi theo Nghị định số 107/2018 (có hiệu lực từ tháng 10/2018), Vinafood 2 còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước ở các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch doanh thu Vinafood 2 đặt ra trong năm 2019 chỉ khiêm tốn ở mức 13.826 tỷ đồng, trong khi cả năm 2018 thu gần 17.850 tỷ đồng.

Tìm hướng kinh doanh mới

Kế hoạch kinh doanh 2019 nói trên thực chất mới là tờ trình của HĐQT, chưa được các cổ đông thông qua. Còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng Vinafood 2 vẫn đang xin hoãn họp Đại hội đồng cổ đông để hoàn thiện tài liệu. Sau 9 tháng, doanh thu thực hiện của Tổng công ty mới hoàn thành gần 60%. Với khoản lỗ sau thuế gần 75 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận 50,5 tỷ đồng đề ra cho công ty mẹ sẽ rất khó để hoàn thành.

Một nội dung đáng chú ý được trình đến cổ đông trong kỳ họp lần này là việc bổ sung 3 ngành nghề, gồm kinh doanh bất động sản; bán lẻ xăng dầu, mỡ bôi trơn và sản phẩm làm mát động cơ; hoạt động quản lý bãi đỗ, trông giữ phương tiện đường bộ. Điểm chung của cả 3 ngành nghề này là đều có thể tận dụng một nguồn lực lớn khác mà Vinafood 2 đang quản lý, đó là đất.

Tại thời điểm định giá cổ phần hóa, Vinafood 2 cùng các công ty thành viên nắm giữ 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích đất 3.405.950 m2, riêng diện tích đất tại TP.HCM là 89.842 m2 với 17 cơ sở nhà, đất. Một phần diện tích trong số này đã được giao cho địa phương, số đất còn lại do Vinafood 2 quản lý vẫn còn nhiều đất vàng, ở các vị trí đắc địa. Phần lớn trong số này là đất thuê hàng năm, không tính trong giá trị của doanh nghiệp. Phát huy lợi thế của các lô đất để tối đa hóa lợi nhuận cũng là nội dung được đề cập tại phương án cổ phần hóa trước đây.

Tìm hướng kinh doanh mới để khai thác nguồn lực lợi thế là một phương án có thể giúp Vinafood 2 cải thiện hiệu quả hoạt động trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn đang trầy trật vì cạnh tranh, nhưng cũng đặt ra yêu cầu minh bạch với các quyết định sử dụng tài sản.

Có 2 mục tiêu lớn kỳ vọng đạt được đối với một doanh nghiệp cổ phần hóa trở thành công ty đa sở hữu là nâng cao năng lực quản trị và minh bạch thông tin. Trong khi nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa chịu niêm yết hay đăng ký giao dịch, Vinafood 2 là điển hình lên sàn sớm.

Dẫu vậy, Vinafood 2 đã có lần phải giải trình vì trễ lịch công bố thông tin, dù yêu cầu công bố trên UPCoM đơn giản hơn sàn niêm yết. Hiện cổ phiếu VSF của Vinafood 2 chỉ giao dịch hạn chế vào các chiều thứ Sáu, do chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Việc “ông lớn” ngành xuất khẩu gạo này chật vật thực hiện công bố thông tin đặt ra dấu hỏi về khả năng minh bạch trong các quyết định sử dụng tài sản sau này.

Đặc biệt, điều quan trọng hơn so với việc mở rộng sang hướng kinh doanh khác là Vinafood 2 cần tập trung giải bài toán cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường lúa gạo. Việc chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường là cần thiết để Tổng công ty có thể phát triển, thay vì “sống” nhờ các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung được giao như trước đây.

Theo Tin nhanh chứng khoán



Báo cáo phân tích thị trường