Liên quan đến thông tin hàng loạt cửa hàng bán gạo ST25 ngon nhất thế giới giả, trao đổi với người viết ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lí Thị trường, cho biết hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn cho loại gạo này do đó rất khó để kết luận là gạo giả hay gạo thật.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lí Thị trường. Ảnh: Zing News
"Hiện nay, các cơ quan quản lí thị trường khu vực phía Nam đang đi kiểm tra một số cửa hàng để lấy mẫu. Tuy nhiên, bản thân gạo ST25 phải có tiêu chuẩn thì mới kết luận được các mẫu kiểm tra có phải là gạo giả hay không. Ngay cả bao bì nhãn mác cũng phải được đăng kí. Muốn được pháp luật bảo hộ thì hàng hóa phải được đăng kí trước", ông Linh nói.
Theo Bộ NN&PTNT, tại cuộc họp với Bộ diễn ra vào ngày 27/11, ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết tỉnh mong muốn Bộ NN&PTNT sớm công nhận hai giống lúa đặc sản ST23, ST25 nhóm nghiên cứu lai tạo lúa ST của kĩ sư Hồ Quang Cua là giống lúa cấp quốc gia.
Giống lúa ST25 đã đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 (World's Best Rice 2019), trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila (Philippines, từ 10 đến 13/11) vừa qua.
Về việc công nhận hai giống lúa ST23 và ST25, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị kĩ sư Hồ Quang Cua và nhóm tác giả sớm hoàn tất hồ sơ của hai giống lúa.
Hội đồng khoa học sẽ đặc cách để tiến hành công nhận sớm nhất. Trên nền tảng giống ST25 đã đạt kết quả cao sau cuộc thi gạo ngon thế giới 2019 thì cần phải xây dựng kế hoạch phát triển ngay tại Sóc Trăng.
Bộ sẽ yêu cầu thêm các doanh nghiệp vào cuộc để phát triển quy hoạch vùng trồng lúa đặc sản, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, từ đó tiến tới canh tác hữu cơ.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng