Bộ ngành kêu khó
Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cho rằng, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn rất lơ là, không hẳn do thiếu luật mà là do xử chưa nghiêm. Ngoài ra, thiết bị xét nghiệm của chúng ta chưa chính xác.
Từng có tình trạng mẫu xét nghiệm tại cơ sở trong nước khi đưa sang Singapore lại cho kết quả khác hẳn! Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ từ vài chục ngàn đến cao nhất là 40 triệu đồng, chưa thể đủ sức răn đe, cán bộ thì ngại đưa vụ việc ra xử lý hình sự.
Trong khi đó, có tới 42,5 phần trăm tiêu chuẩn về VSATTP của ta lạc hậu, cả nước có gần 6.000 cán bộ làm quản lý thị trường và chủ yếu phải thẩm định bằng mắt thường.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), diện tích rau an toàn, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt rất thấp. Bên cạnh đó, lượng rau quả do sản xuất nhỏ lẻ nên khó kiểm soát chất lượng.
Cùng đó, việc sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc khá phổ biến. Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn kinh phí được cấp cho công tác quản lí chất lượng VSATTP giai đoạn từ 2004 - 2008 chỉ có 329 tỷ đồng (bình quân chỉ đạt 780 đồng/người/năm).
"Nghĩ đến cảnh dùng nước ao tù để làm sạch trâu bò tại các lò mổ phát trên truyền hình, tôi lại thấy rùng mình"- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói. Theo ông Hiển, diện tích rau, cây ăn quả an toàn chỉ đạt 8,5 phần trăm và 20 phần trăm thì dù quản lí có tốt, hàng hóa không đủ tiêu chuẩn vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu phân trần, mặc dù là cơ quan nhà nước chủ trì vấn đề này, nhưng Bộ trưởng cũng khó can thiệp tới các địa phương. "Nếu địa phương làm không tốt, thì dù năm bộ chứ có đến 10 bộ cũng đành bó tay" - Ông Triệu nói.
Phải có đầu mối trách nhiệm
Hiện cả nước sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại, nhưng chỉ có 43 tỉnh, thành phố có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích trồng rau sạch đạt tỷ lệ 8,5 phần trăm; diện tích cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20 phần trăm. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ kiểm soát được 20 - 30 phần trăm nhu cầu rau xanh. Có 93,9 phần trăm cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận. Từ năm 2004 - 2008, trung bình mỗi năm có 181,2 vụ ngộ độc với 53,4 người chết/năm. Số vụ ngộ độc thực phẩm tăng từ 403 năm 2004 lên 468 trong năm 2008 và số người bị ngộ độc tăng từ 6.207 lên 8.656 người. |
Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cho rằng, báo cáo giám sát nên đưa ra một mô hình quản lí hiệu quả, nếu không Bộ trưởng Y tế sẽ lại giải trình với Quốc hội đây là trách nhiệm của liên bộ. Theo bà Mai, chúng ta vẫn chưa tìm được giải pháp đột phá cho vấn đề này và rất cần có một đầu mối có thể cải thiện tình hình hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chức năng phải có thái độ kiên quyết đối với hàng hóa sử dụng nội địa, nếu không có thể sẽ phải trả giá.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận, đúng là còn có những hạn chế do chính sách pháp luật, do công tác quản lý chưa thật tốt, nhưng tới đây sẽ tuyên truyền mạnh mẽ, xử lí thật nghiêm. Theo ông Triệu, cần hướng tới xây dựng các mô hình nuôi trồng, giết mổ hiện đại để tăng cường được công tác kiểm soát.
"Thủ đô Tokyo có 10 triệu dân mà chỉ có hai lò giết mổ gia súc, ở Hà Nội vài phích nước nóng đã có thể giết mổ một con lợn rồi. Còn về kinh phí, cũng cần đầu tư đến nơi, đến chốn" - Ông Triệu nói.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Ngọc Thuật cho biết, Bộ này đang kiến nghị để mỗi tỉnh có một chi cục quản lí chất lượng nông sản, với biên chế 15 người và mỗi năm dành khoảng 400 tỉ đồng để các đơn vị này hoạt động.