Thế nhưng, làm thế nào để trở thành "người tiêu dùng thông thái" trong thời buổi này thật không dễ. Thực tế này được minh chứng khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tại nhiều tỉnh, TP lớn trên cả nước.
Xử phạt, chuyện như... đùa
Chỉ sau hơn ba tháng thực hiện giám sát, các vị đại biểu QH đã đưa ra một bức tranh nhiều khoảng tối về VSATTP, được thể hiện bằng những số liệu khá cụ thể. Đơn cử, hiện nay mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 11,5 triệu tấn rau các loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm còn rất thấp. Tại các đô thị lớn, mới chỉ kiểm soát được 20-30% lượng rau xanh cung cấp ra thị trường. Tình trạng rau xanh bị ô nhiễm do vi sinh vật tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức độ cao. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh trong quý III và IV năm 2008 cho thấy, trong 76 mẫu rau thì có 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%), 6 mẫu nhiễm samonella (chiếm 7,9%). Số liệu trên cho thấy, môi trường đất và nước để trồng và cung ứng rau không bảo đảm chất lượng.
Thật dễ hiểu khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của QH Nguyễn Đăng Vang từng cho rằng, nếu dùng thực phẩm nhập khẩu thì khoảng 1.000 bữa ăn có một bữa không an toàn, còn dùng thực phẩm nội địa sẽ có tới 100 bữa không an toàn. Trong khi đó, khi có thông tin về việc cơ sở này, siêu thị nọ bị phát hiện lừa người tiêu dùng, bán hàng không đúng như quảng cáo hoặc kém chất lượng thì chuyện xử phạt cứ… như đùa. Ví như Sở Y tế Hà Nội đã từng có quyết định xử phạt Siêu thị 66 phố Bà Triệu những… 2 triệu đồng vì kiểm tra thấy siêu thị bán một số mặt hàng kẹo sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi trên nhãn phụ xuất xứ từ Đức; xúp nấm hộp sản xuất tại Ma-lai-xi-a nhưng ghi xuất xứ trên nhãn phụ là từ Mỹ... hay một siêu thị khác đã bị phạt tới… 1 triệu đồng vì bán nước mắm ghi là "hảo hạng" nhưng khi lắc nhẹ lại thấy vẩn đục…
Ở thành phố đã vậy, ở nông thôn làm "người tiêu dùng thông thái" còn khó hơn gấp bội. Trao đổi với PV Hànộimới, bà Nguyễn Thị Việt (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và nhiều bà con nông dân khác cho biết, họ đặt cả niềm tin vào "ông Nhà nước". "Cho phép sản xuất, lưu hành thực phẩm ở chợ tức là phải bảo đảm rồi còn gì" - bà Việt lý giải.
Thừa nhận thực trạng trên là đáng lo ngại, song lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương lại cho rằng, nguyên nhân là chế tài xử lý hiện còn quá nhẹ, không đủ tính răn đe. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú lý giải: "Tình hình VSATTP diễn biến như vừa qua có nguyên nhân quan trọng là các biện pháp xử lý chỉ nặng về kinh tế, với mức phạt nhẹ…". Kiểm tra quyết liệt nhưng "phạt như đùa", vì vậy "đâu lại vào đấy".
Chi phí cho VSATTP: quá thấp
"Tư lệnh" ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho rằng: "Sau 20 năm đổi mới, người Việt Nam sử dụng thịt tăng lên 5 lần, trứng, sữa tăng lên 25 lần. Trong khi đó, kinh phí cho công tác kiểm tra VSATTP bình quân mới đạt khoảng 1.000 đồng/người/năm, còn nhân lực thì 9+3 (Bộ Y tế có 9 người, Bộ NN&PTNT có 3 người làm thanh tra chuyên ngành VSATTP) và trung bình mỗi tỉnh chỉ có 0,5 người cho hoạt động này. Như vậy, để bảo đảm ATVSTP, khác gì dẫn một tiểu đội đi đánh ba sư đoàn của địch". Giải pháp căn cơ, theo ông Triệu, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho VSATTP ngang bằng với các nước trong khu vực, phấn đấu đến năm 2010 đạt trung bình 10.000 đồng/người/năm, cần thực hiện "luật pháp cho rõ ràng, tuyên truyền cho mạnh và xử lý cho nghiêm". Về vấn đề này, các bộ đều đồng thanh "kêu" rằng, cán bộ quá thiếu, trang thiết bị lại lạc hậu, không đủ để quản lý. Do đó, cần sớm bổ sung nhân lực, vật lực để cơ quan chức năng đủ sức làm việc. Đại diện Bộ NN&PTNT đề xuất thành lập chi cục quản lý chất lượng nông thủy sản ở các địa phương với biên chế khoảng 15 người. "Toàn quốc chi phí hết khoảng 45 tỷ đồng/năm nhưng quản lý sẽ hiệu quả hơn" - vị này nói.
Thế nhưng, nhiều thành viên Đoàn giám sát cho rằng nói như thế chẳng khác nào khẳng định chỉ khi đất nước giàu có thì người dân mới được "ăn sạch"? Thực tế cho thấy, với lĩnh vực VSATTP, tổ chức quản lý theo hướng đa ngành thì mới có thể quán xuyến được các khâu trong quy trình từ trang trại đến bàn ăn. Vấn đề là phải có cơ chế phối hợp và cần trao cho các bộ, ngành đủ quyền năng để thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Mặt khác, mỗi bộ phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, không thể để tình trạng 1 mớ rau, con gà mà 4 bộ tham gia quản lý (Y tế, Công thương, KH&CN, NN&PTNT) vẫn không xong?! Cũng không thể cứ khuyên người dân trở thành "người tiêu dùng thông thái" hay "người nội trợ thông minh" trong khi vấn đề VSATTP cứ năm sau vi phạm nhiều hơn năm trước. Người dân Việt Nam, dù sống trong điều kiện, hoàn cảnh kinh tế nào cũng đều có quyền được sử dụng thực phẩm sạch.