Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân các cán bộ Sở Y tế TPHCM vào tối 5/6, bác sĩ (BS) Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc cơ quan này đã đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý nghiêm.
Theo tài liệu mà Tiền phong có được, thực tế những người được giao nhiệm vụ theo dõi vấn đề này đã phát hiện “sự cố” từ năm 2001, trong đó có Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang (phụ trách VSATTP, đồng thời là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về chất lượng VSATTP của TPHCM), cùng Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An và Trưởng phòng Quản lý VSATTP Sở Y tế Huỳnh Lê Thái Hoà.
Theo đó, căn cứ vào công văn số 1574/YTDP/VSATTP, ngày 28/12/2006, ký bởi giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Lê Thanh Hải, gửi ông Lê Trường Giang, cho thấy, từ năm 2003 đến nay ở TPHCM có 75 cơ sở sản xuất nước tương (tập trung nhiều nhất ở các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh).
Sau khi Bộ Y tế ban hành QĐ số 10/2005/QĐ-BYT về tiêu chuẩn xác định chất 3-MCPD và quyết định (QĐ) số 11/2005/QĐ-BYT về quy định hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, dầu hào không được quá 1mg/kg, Trung tâm TYTDP đã khảo sát ở 33/75 cơ sở sản xuất nước tương và kiểm nghiệm 20 mẫu, phát hiện 14 mẫu có chứa 3-MCPD, trong đó 8 mẫu vượt mức cho phép.
Đặc biệt trong công văn 1574 còn nêu, Sở Y tế TPHCM đã “giúp các Cty, doanh nghiệp, cơ sở không bị ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và có thêm thời gian cải tiến công nghệ, khắc phục sự tồn dư của các độc chất” bằng cách gia hạn việc công bố thông tin về 3-MCPD đến tháng 2/2006!
Trung tâm YTDP buộc phải kiến nghị, cấp chủ quản phải thông tin ngay tới người tiêu dùng và lập tức xử lý bằng cách buộc các cơ sở thay đổi công nghệ. Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện đầu tư cải tiến công nghệ chế biến nước tương sạch thì phải chuyển sang chế biến sản phẩm khác...
Song khi nhận công văn này, ông Lê Trường Giang đã không báo cáo lên UBND TPHCM, mà lẳng lặng chuyển cho Trưởng phòng Quản lý VSATTP và Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An để cùng “ém” thông tin!
Việc nước tương có 3-MCPD thực chất đã được Sở Y tế TPHCM phát hiện và báo cáo UBND TPHCM từ đầu năm 2001 căn cứ vào báo cáo số 3002 do ông Lê Trường Giang ký ngày 28/5/2007 gửi Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM xác nhận: Ngay từ năm 2001, Sở Y tế TPHCM đã phát hiện các mẫu nước tương sản xuất trong nước có hàm lượng 3-MCPD rất cao.
Vì thế, Sở đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải thay đổi công nghệ. Khi nhận được thông tin này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã có văn bản thông báo cho Bộ Y tế đề nghị xác định tính chất, thông số độc hại và cách xử lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền thừa nhận, Bộ Y tế đã biết điều này từ năm…2001, nhưng vì lý do để… nghiên cứu, nên mãi tháng 3/2005, Bộ Y tế mới ban hành quyết định 11/2005/QĐ-BYT, quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào.
Tuy nhiên, công văn này chỉ đề cập đến đối tượng là các thương phẩm nhập khẩu, trong khi đó sản phẩm nước tương chứa hàm lượng 3-MCPD cao vượt mức cho phép hoàn toàn không được nhắc đến. Trong Quyết định 39/2005/QĐ-BYT, ngày 28/11/2005, Bộ Y tế cho rằng, kết quả xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên trên một lô sản phẩm.
Cho nên, năm 2005, kết quả thanh tra của Sở Y tế TPHCM đối với nước tương nhãn hiệu Chinsu do Vitecfood sản xuất cho thấy hàm lượng 3-MCPD vượt ngưỡng 5,27mg/kg, nhưng Đoàn Thanh tra của Bộ Y tế kiểm nghiệm và báo cáo Chính phủ lại không có 3-MCPD(!).
Sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định nói trên, Sở Y tế liên tục có các công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất phải công bố hàm lượng 3-MCPD; thậm chí Sở Y tế còn tổ chức hẳn một đoàn thanh tra các cơ sở sản xuất để lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 19/29 mẫu nhiễm 3-MCPD rất cao. Tuy nhiên, Thanh tra y tế chỉ xử phạt 4-5 triệu đồng/cơ sở, rồi vụ việc được “ỉm” đi