Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam cần hội nhập tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm.
01 | 11 | 2007
Tại Hội thảo Việt Nam - Hoa Kỳ về xây dựng tiêu chuẩn và Tác động đối với thương mại vừa mới được tổ chức tại Hà Nội, các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu tổ chức hoạt động đánh giá sự phù hợp của cả hai nước đã được đưa ra phân tích.

Trong đó, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm là một trọng tâm. Hiện ở Việt Nam mới có khoảng 800 mặt hàng thực phẩm được quy định tiêu chuẩn chất lượng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, thay vì bảo hộ bằng hàng rào thuế quan, các nước phát triển tăng cường hàng rào kỹ thuật. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không còn con đường nào khác là phải “hội nhập tiêu chuẩn” nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Sự khác nhau giữa “chuẩn” Việt Nam và thế giới là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trường hợp nước tương là một minh chứng rõ ràng. Theo tiêu chuẩn về hàm lượng 3- MCPD của EU, tối đa mỗi ngày cho một người dùng nước tương ở dưới mức an toàn là 0,02 mg/kg trọng lượng cơ thể, thấp hơn 50 lần so với tiêu chuẩn 1 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày của Việt Nam.

Nếu chiểu theo chuẩn ngặt nghèo này thì cứ 2 tuần một lần, nước tương Việt Nam xuất khẩu sang EU lại bị “ăn đòn” bởi danh sách các loại nước tương không đạt tiêu chuẩn 3- MCPD và bị công bố rộng rãi trên mạng Internet.

Và trường hợp nước tương Chinsu Việt Nam bị khuyến cáo không nên dùng ở Bỉ vì chứa độc tố gây ung thư là một ví dụ cụ thể, mặc dù đã được chứng minh là hợp tiêu chuẩn Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành cho rằng với lượng 3- MCPD cho vào cơ thể hằng ngày mà vẫn an toàn là 2 microgram/kg cơ thể, một người 50 kg có thể ăn hằng ngày 100 microgram 3- MCPD.

Như vậy, tiêu chuẩn mà Việt Nam quy định hoàn toàn bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, nếu sử dụng 10 ml nước tương trong bữa ăn hằng ngày thì hàm lượng 3- MCPD mà một người 50 kg ăn vào chỉ khoảng 30 microgram, vẫn còn dưới xa “ngưỡng” an toàn như cách tính trên.

Thông điệp được các chuyên gia đưa ra là Việt Nam phải xây dựng “chuẩn” vệ sinh an toàn thực phẩm “tiệm cận” với chuẩn của thế giới chứ không “một mình một chuẩn” như hiện nay. Bởi 3-MCPD không chỉ có trong nước tương mà còn có trong rất nhiều những sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của chúng ta như ngũ cốc, sữa, thịt, cá... Nếu không, chúng ta đã tự đóng cửa thị trường xuất khẩu của chính mình.

Nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm nói riêng và hàng hóa nói chung là một câu chuyện không mới, là quy trình không thể đảo ngược để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng hóa cần một hệ thống phòng thí nghiệm và các trang thiết bị kiểm tra đạt chuẩn đi kèm, cùng với nó là một khoản chi phí không nhỏ.

Nguồn: Vinanet



Báo cáo phân tích thị trường