Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Giá lương thực thế giới tháng 2 giảm lần đầu tiên trong 4 tháng vì virus corona
10 | 03 | 2020
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết giá thực phẩm trên thế giới giảm trong tháng 2 sau 4 tháng tháng liên tiếp vì giá dầu thực vật xuất khẩu giảm mạnh khi virus corona bùng phát dấy lên lo ngại nhu cầu sẽ chậm lại.

Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã giảm 1% so với tháng 1 xuống 180,5 điểm, nhưng chỉ số tháng này vẫn tăng 8,1% so với cùng kì năm ngoái.

Nguyên nhân của sự sụt giảm là giá xuất khẩu của dầu thực vật giảm mạnh. Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt 158,1 điểm trong tháng 2, giảm 10,3% so với tháng 1 và dứt chuỗi tăng kéo dài từ tháng 7/2019.

Trong đó, giá dầu cọ quốc tế - thành phần quan trọng của chỉ số - đã giảm 12% so với tháng 1 vì sản lượng lớn hơn dự báo tại Malaysia và sự sụt giảm tạm thời về nhu cầu nhập khẩu dầu cọ Ấn Độ và lo ngại nhu cầu trên thế giới chậm lại sau khi virus corona (Covid-19) bùng phát.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc nhận định lo ngại về sự lây lan của Covid-19 và Trung Quốc giảm nhập khẩu đang tác động tới thị trường.

Chỉ số giá ngũ cốc cũng giảm 0,95% trong tháng 2 với giá lúa mì giảm, phản ánh nguồn cung trên thị trường đầy đủ, trong khi giá ngô giảm vì nhu cầu từ ngành thức ăn chăn nuôi yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Ngược lại, giá gạo thế giới tăng, nổi bật bởi nhu cầu mạnh mẽ từ người mua từ Viễn Đông và Đông Phi.

Theo Reuters, giá gạo tại các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng đang ở mức cao trong tuần trước. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng vọt lên 460 - 467 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 vì hạn hán kéo dài tại nhiều vùng trồng lúa khiến thị trường lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung.

Giá gạo 5% tấm tại Việt Nam cũng lên cao nhất hơn một năm trong tuần trước, đạt 390 - 400 USD/tấn nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ châu Phi, Cu Ba và Malaysia.

Tháng 2, chỉ số giá thịt của FAO đã giảm 2% so với tháng 1, chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc giảm nhập khẩu khi việc bốc dỡ hàng hóa tại các cảng bị trì hoãn. Cùng với đó, hạn hán dẫn tới việc giết mổ lượng lớn tại New Zealand gây thêm áp lực đối với giá thịt bò, trong khi giá thịt gia cầm bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nhập khẩu suy yếu tại châu Á.

Ngoài ra, lượng thu mua giảm tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu sữa bột lớn nhất thế giới, đã khiến giá sữa bột giảm, trong khi giá phô mai tăng, một phần vì sản lượng sữa tại Australia giảm dẫn đến chỉ số giá sữa của FAO trong tháng 2 tăng 4,6% so với tháng trước đó.

Chỉ số giá đường tăng 4,5% trong bối cảnh triển vọng sản lượng giảm tại Ấn Độ cũng như ở Thái Lan với nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là từ Indonesia - nhà nhập khẩu đường lớn nhất thế giới.

Thương mại ngũ cốc ước tăng hơn 2% trong 2019 - 2020

FAO cũng phát hành dự báo mới đối với sản lượng ngũ cốc thế giới, cho biết thị trường ngũ cốc toàn cầu dự kiến duy trì đủ nguồn cung, đáp ứng được dự báo tăng trưởng về tiêu thụ.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng nâng dự báo đối với sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2019 lên 2.719 triệu tấn vì sản lượng ngô lớn hơn tại Tây Phi và Ukraine.

Tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong năm 2019 - 2020 được dự báo đạt kỉ lục 2.721 triệu tấn, nhờ nhu cầu lương thực, thức ăn chăn nuôi và công nghiệp cao hơn.

FAO cũng dự báo thương mại ngũ cốc thế giới sẽ tăng 2,3% lên 420 triệu tấn trong năm 2019 - 2020, mức lơn thứ hai được ghi nhận, với xuất khẩu lúa mì chiếm hơn một nửa mức tăng dự kiến.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường