Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng lương thực- vấn đề không của riêng ai
20 | 10 | 2008
Theo báo cáo của tổ chức Nông lương thế giới (FAO) được công bố mới đây thì năm 2007 có tới 923 triệu người trên thế giới bị đói, tăng tới 75 triệu người so với những năm 2003 , 2005.


Có thể khẳng định, tới thời điểm này, sự tăng giá lương thực bắt đầu xuất hiện trên thế giới từ năm 2006 đã trở thành một vấn đề xã hội đáng quan tâm của nhiều quốc gia.

Giá lương thực tăng 52% trong một năm

Kể từ tháng 1/2007-1/2008, giá lương thực trên thế giới đã tăng 52%, ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của những người dân nghèo trên thế giới. Liên Hợp Quốc đặt ra mục tiêu từ năm 1996 đến 2015 sẽ giảm một nửa số dân nghèo trên thế giới, nhưng trong bối cảnh giá lương thực tăng cao như hiện nay, việc thực hiện mục tiêu đó ngày càng trở nên khó khăn.

Có thể kể ra đây rất nhiều nguyên nhân khiến cho giá lương thực tăng cao nhưng theo Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Marubeni của Nhật Bản thì nguyên nhân chủ yếu là do dân số thế giới tiếp tục tăng cao, sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn độ, việc sử dụng năng lượng sinh học trở nên ngày càng phổ biến...tức là do nhu cầu sử dụng ngũ cốc ngày càng tăng. Theo điều tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì lượng ngũ cốc tồn kho trong lưu thông cuối kỳ của thế giới năm 1998 là 579.600 nghìn tấn thì đến năm 2007 giảm xuống còn 347.500 nghìn tấn, tức là trong vòng 10 năm lượng tồn kho giảm tới 60%.

Ngoài ra những hiện tượng thời tiết bất thường như hạn hán, lũ lụt hay những qui chế ngặt nghèo của các nước xuất khẩu lương thực, các hoạt động đầu cơ cũng là những nguyên nhân đẩy giá lương thực lên cao. Từ cuối mùa hè năm nay trở lại đây, giá lúa mì, ngô, đậu tương, gạo trên thế giới đã tương đối ổn định, tuy nhiên mức giá này vẫn đang đứng ở mức gấp từ 1,4-2,4 so với thời điểm 2 năm về trước.

Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OSCD và FAO đã đưa ra dự đoán rằng từ năm 2008 –2017, giá thịt bò và thịt lợn sẽ tăng 20%, giá lúa mì, ngô, sữa tách bơ tăng từ 40 đến 60%, giá dầu thực vật sẽ tăng hơn 80% so với giai đoạn từ năm 1998- 2007.

Nguyên nhân chính: Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp

Hạn hán, lũ lụt, mưa bão, cuồng phong thường xuyên diễn ra với cường độ mạnh khiến cho hoạt động sản nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi khí hậu trên thế giới đã ảnh hưởng đến nhu cầu lương thực trên phạm vi toàn thế giới. Nạn hạn hán hoành hành tại châu Úc từ cuối năm 2006 đến nay đã khiến cho hai năm liên tục sản lượng bột mỳ tại nước này giảm xuống chỉ còn một nửa và đó là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao.

Theo báo cáo của Uỷ ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu IPCC, khi nhiệt độ trái đất tăng từ 2-3 độ C thì  sản lượng ngũ cốc ở những vùng vĩ độ thấp sẽ giảm nhưng ở vùng vĩ độ cao sản lượng ngũ cốc sẽ tăng. Bởi vì ở những vùng vĩ độ thấp diện tích đất nông nghiệp được canh tác chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên rất lớn nên chịu ảnh hưởng nặng nề sự bất lợi của thời tiết. Theo thống kê của FAO thì tỷ lệ diện tích nông nghiệp được canh tác phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên tại khu vực Châu Phi (phía Nam sa mạc Sahara) là 96%, ở Nam Phi là 87%, châu Á là 61%. Ở những khu vực mùa khô có chiều hướng trở nên dài hơn, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã không thể sử dụng được  hoặc sản lượng không ổn định. Những diện tích đất nông nghiệp canh tác dựa trên lượng mưa tự nhiên cần phải xây dựng hệ thống tưới tiêu, tích trữ nước, tăng cường hiệu quả sử dụng nước và sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của các nước phát triển.

Những nỗ lực tìm giải pháp

Trước tình hình giá lương thực tăng cao, Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đã có hàng loạt các hành động để đối phó với vấn đề này. Hồi cuối tháng 5/2008 tại Yokohama, Hội nghị Phát triển châu Phi lần thứ 4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trong vòng 5 năm nữa sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển ODA cho các nước châu Phi và đầu tư cho khu vực tư nhân để tăng gấp đôi sản lượng lương thực cho khu vực này.

Vấn đề lương thực tăng giá đã trở thành chủ đề trung tâm của hội nghị thượng đỉnh về lương thực do FAO tổ chức hồi tháng 6 năm nay tại Roma. Hội nghị đã thông qua tuyên ngôn về vấn đề viện trợ lương thực, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị Thượng đỉnh G8 được tổ chức hồi tháng 7 năm nay tại Hokkaido (Nhật Bản) lần đầu tiên một tuyên bố thượng đỉnh về vấn đề bảo đảm an toàn lương thực đã được thông qua, trong đó bãi bỏ các qui chế xuất khẩu nhằm cấm xuất khẩu lương thực, hay thiết lập thuế xuất khẩu, thảo luận về chế độ dự trữ lương thực trên phạm vi toàn thế giới , xây dựng hệ thống tưới tiêu... Theo tổng kết của FAO trong khoảng vài tháng đầu năm 2008, các nước tiên tiến đã hứa sẽ viện trợ khoảng 2,4 tỷ USD cho các nước nghèo, nhưng trừ những khoản viện trợ lương thực khẩn cấp thì việc thực hiện các khoản viện trợ khác dường như không phải dễ thực hiện.

Hội nghị Thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Anh năm 2005 đã đạt được thỏa thuận về việc sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển ODA cho các nước châu Phi nhưng cho đến nay việc thực hiện thỏa thuận này còn quá chậm trễ. Các nước phát triển tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G8 tổ chức giữa năm nay tại Hokkaido cũng như Hi nghị Thượng đỉnh về lương thực vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong việc chọn lựa giữa phát triển nhiên liệu sinh học và bảo đảm an toàn lương thực.

Để giải quyết một cách triệt để vấn đề lương thực trên toàn cầu cần có sự nỗ lực không ngừng của tất cả các bên liên quan. Trong năm nay, Bộ trưởng Nông nghiệp của các nước phát triển dự định sẽ gặp nhau và sang năm 2009, một Hội nghị Thượng đỉnh lương thực khác cũng sẽ tiếp tục được tổ chức nhằm thảo luận về vấn đề đảm bảo an toàn lương thực toàn cầu.

Từ năm 1997, cùng với việc tổ chức ngày lương thực thế giới vào ngày 16/10 hàng năm, FAO đã triển khai một chiến dịch mang tên “Telefood” nhằm kêu gọi sự hợp tác của các nước trên thế giới để đẩy lùi nạn đói trên thế giới và trong năm nay cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các nước trên thế giới về vấn đề lương thực.

Ngày 9/11/2008, tại thành phố Yokohama của Nhật bản, một Hội thảo quốc tế về khoai tây với thông điệp “Từ củ khoai tây nghĩ về vấn đề lương thực trên thế giới”. So với các loại cây lương thực khác, cây khoai tây là một loại cây sinh trưởng nhanh, sản lượng lại cao nên Liên Hợp Quốc quyết định sẽ coi đây là một phương cách để giải quyết vấn đề lương thực trên thế giới và coi năm 2008 là năm quốc tế về khoai tây. Ngoài ra trong tháng 11 tới đây tại Yokohama còn có rất nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao ý thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm như tổ chức các buổi hòa nhạc từ thiện, trò chơi từ thiện ... Số tiền quyên góp được thông qua những hoạt động này sẽ được gửi tới dự án hỗ trợ sự tự lập của các nước đang phát triển./.

 



Nguồn: VOVNEWs
Báo cáo phân tích thị trường