Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EC tiếp tục hỗ trợ ngành thủy sản nhằm đối phó với dịch COVID-19
17 | 05 | 2020
Vào ngày 17/4/2020, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu biểu quyết các biện pháp mới do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, cho phép thực hiện một cách nhanh chóng các hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.

Theo EC, trong số các biện pháp mới được thông qua, Nghị viện đã cho phép sửa đổi Quỹ Hàng hải và Thủy sản châu Âu (EMFF) nhằm giúp các quốc gia thành viên cung cấp "các gói hỗ trợ bổ sung đối với việc tạm ngừng các hoạt động khai thác, lưu kho sản phẩm và nuôi trồng thủy sản".

Hỗ trợ bổ sung này sẽ được cấp theo chính sách nông nghiệp chung, cho phép các quốc gia thành viên linh hoạt hơn trong việc sử dụng các công cụ tài chính, giúp họ dễ dàng tái phân bổ ngân sách theo các chương trình phát triển nông thôn (RDP) và giảm bớt áp lực hành chính cho các quốc gia đang phải đối phó với dịch bệnh.

Theo Virginijus Sinkevicius, Ủy viên châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá "Chúng tôi đã đề xuất một loạt các biện pháp mới để giải quyết các vấn đề được các bên liên quan, các Bộ trưởng, thành viên Nghị Viện châu Âu và nghề cá châu Âu quan tâm cũng như các vấn đề chưa thể giải quyết thông qua các gói hỗ trợ trước đây”.

Các nhà sản xuất cũng sẽ nhận được hỗ trợ cho việc lưu kho tạm thời các sản phẩm thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Việc tái phân bổ nguồn lực tài chính sẽ được thực hiện linh hoạt hơn trong chương trình hoạt động của từng quốc gia thành viên, cũng như việc đơn giản hóa thủ tục để sửa đổi các chương trình hoạt động liên quan đến việc đưa ra các biện pháp mới này.

Viện trợ bổ sung

Phiên bỏ phiếu cũng cho phép "một sự chuyển hướng chưa từng có của các quỹ chính sách liên kết nhằm giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng" thông qua “Sáng kiến đầu tư (CRII+)” nhằm ứng phó với COVID-19. Sáng kiến này cho phép huy động mọi hỗ trợ không được sử dụng từ các quỹ đầu tư và cơ cấu châu Âu đến mức tối đa.

Nghị Viện cũng đồng ý hỗ trợ trực tiếp các hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia thành viên EU trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Một khoản trợ cấp trị giá 3,08 tỷ EUR (3,43 tỷ USD) đã được thông qua nhằm phát triển “năng lực y tế khẩn cấp và dịch vụ y tế ở các quốc gia”.

Bên cạnh đó, 3,6 triệu EUR cũng sẽ được trợ cấp thêm cho Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu, giúp cơ quan này "xác định, đánh giá và chia sẻ mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe con người" đồng thời nâng cao năng lực chuyên gia của tổ chức này.

Được đón nhận bởi ngành thủy sản

Europeche, Cơ quan đại diện chính cho ngành khai thác Châu Âu hoan nghênh "bước tiến tích cực" hướng tới việc phê duyệt đề xuất này và cho biết ngành thủy sản đang mong muốn triển khai nhanh chóng và linh hoạt các điều khoản. Europeche ca ngợi EU vì phản ứng "chưa từng có và nhanh chóng" và tính linh hoạt của các đề xuất.

Ment van der Zwan, phát ngôn viên của Europeche cho biết “Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp quyết liệt, nhanh chóng của các nhà chức trách EU. Chúng tôi vẫn thúc giục Ủy ban Châu Âu tiến hành các bước tiếp theo để đối phó với khủng hoảng một cách hiệu quả. Các bước tiếp theo này nên bao gồm khả năng chuyển 25% hạn ngạch chưa khai thác trong năm 2020 sang năm 2021, các biện pháp bù đắp thu nhập giảm sút của ngư dân và chi thêm ngân sách cho các quốc gia đã đóng góp nhiều nhất cho quỹ EMFF”.

Trên hết, Europeche kêu gọi EC triển khai chiến dịch xúc tiến thương mại thủy sản nhằm tăng mức tiêu thụ trên toàn EU nhằm giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. 



Theo undercurrentnews
Báo cáo phân tích thị trường