Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trắng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 488 - 492USD/tấn với gạo 5% tấm, 463 - 467USD/tấn với gạo 25% tấm.
So với gạo trắng cùng loại của Thái Lan ở mức 493-497 USD/tấn với gạo 5% tấm, 465 - 469USD/tấn với gạo 25% tấm, giá gạo Việt Nam đã trở về vị trí thứ hai thế giới.
Trước đó, vào ngày 17/8 giá gạo trắng Việt Nam ghi nhận mức giao dịch 488-492 USD/tấn với gạo 5%, 463-467 USD/tấn với gạo 25% tấm.
So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn ở trong top 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, thì giá gạo trắng Việt Nam đã vươn lên cao nhất thế giới.
Cụ thể, cũng trong ngày 17/8 giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 481-485 USD/tấn, gạo 25% tấm 458-462 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ từ 368-372 USD/tấn, gạo 25% tấm 348-352 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan từ 416-420 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 363-367 USD/tấn; gạo 5% tấm của Myanmar từ 443-447 USD/tấn.
Tại ĐBSCL, nông dân vui mừng khi giá lúa tăng vào cuối vụ thu hoạch lúa hè thu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ Hè Thu năm 2020, ĐBSCL sản xuất 1,54 triệu ha lúa, sản lượng khoảng 9 triệu tấn.
Ở thời điểm này, nhiều tỉnh đã thu hoạch xong, số diện tích còn lại tập trung tại các địa phương ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang…
Mấy ngày gần đây, giá lúa gạo ở ĐBSCL tăng cao và hút hàng. Giá lúa tăng lên khoảng 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng và tăng hơn 800 đồng/kg so với vụ lúa Đông Xuân, báo Chính phủ đưa tin.
Cụ thể tại Cần Thơ và Hậu Giang, nông dân bán lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.500 đồng-6.500 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Đáng chú ý, nhiều nông dân và vựa lúa có khả năng trữ lúa đã trúng lớn khi trữ lúa thơm Jasmine 85, vì giá lúa này đã vọt tăng từ 7.500 đồng/kg lên 8.200 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến lúa và gạo đều tăng là do Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đang tăng lên.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm.
Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý.
Hơn nữa, phải khẳng định là Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25... đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ”, ông Phạm Thái Bình phân tích.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhận định, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh COVID-19 giúp gạo Việt Nam được các nhà nhập khẩu ưu tiên.
Từ nay đến cuối năm, giá gạo của Việt Nam dự báo có thể tăng thêm bởi một số nước đang giảm xuất khẩu trong khi nhu cầu trên thế giới tăng cao.
"Chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm được nâng cao cũng hỗ trợ đẩy giá gạo Việt Nam tăng", một thương nhân kinh doanh gạo tại TP HCM chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng, nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kì năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 487,6 USD/ tấn, tăng 13% so với cùng kì năm 2019.