Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ công cho chuỗi sản phẩm 'Gạo xứ Nghệ'
02 | 10 | 2020
Sản phẩm mang thương hiệu 'Gạo xứ Nghệ' được bày bán rộng rãi trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh Nghệ An, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Nongnghiep.vn

Trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, một nội dung rất được quan tâm, đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có bản sắc.

Trăn trở tìm giống lúa năng suất cao, ngon cơm

Nghệ An là một tỉnh lớn, có diện tích gieo cấy lúa hàng năm lên đến 190.000 ha. Sản lượng lương thực đã đạt đến con số 1,25 triệu tấn, trong đó riêng lúa trên 1 triệu tấn.

Trước đây là tỉnh thiếu lương thực, nay mỗi năm riêng lúa còn dư thừa từ 390 - 420 ngàn tấn, nhưng thiếu gạo ngon cơm hay lúa gạo chất lượng cao.

Phần lớn lúa gạo Nghệ An chủ yếu được sản xuất từ các giống lúa lai và một số giống lúa thuần năng suất cao. Còn các giống lúa chất lượng cao, ngon cơm như: Bắc thơm 7, Hương thơm 1, AC5… được sản xuất không nhiều, chỉ vì những giống lúa này năng suất thấp thua các giống lúa khác từ 0,8 - 1,0 tạ/sào (16 - 20 tạ/ha).

Trong khi đó giá mua bán trên thị trường giữa 2 nhóm giống lúa chất lượng gạo cao và chất lượng bình thường chênh lệch từ 1.000 - 1.500 đ/kg lúa và từ 1.500 - 2.000 đ/kg gạo. Qua tính toán người nông dân thấy nếu sản xuất các giống lúa chất lượng cao hiệu quả thu nhập thấp hơn các giống lúa gạo khác từ 330 - 370 ngàn đồng/sào (7 triệu đồng/ha). Vì vậy các giống lúa gạo chất lượng cao, ngon cơm khó được mở rộng diện tích gieo cấy.

Không phải bây giờ Nghệ An mới đề cập chủ trương sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, cơm ngon để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Chủ trương này cách đây hơn 10 năm, các ông Hồ Xuân Hùng, Phan Đình Trạc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã thường xuyên đặt vấn đề với Sở NN-PTNT cùng đội ngũ cán bộ KHKT trong ngành nông nghiệp là phải cố gắng tìm kiếm cho được một vài giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon để vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa làm tăng thu nhập cho nông dân và đừng để Nghệ An phải mua gạo của các tỉnh khác đưa vào trong khi tỉnh còn dư thừa khá nhiều lúa gạo.

Rất may, năm 2016, từ con lai của tổ hợp lai BM9962 x TBR18 do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ lai tạo ra với tên gọi ban đầu là AN1.

Qua kết quả sản xuất thử cho thấy giống lúa AN1 có triển vọng cả về năng suất cao và chất lượng gạo khá ngon đáp ứng được nhu cầu của cả người sản xuất và tiêu dùng thế là Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An mua ngay bản quyền sở hữu.

Ngay sau khi giống lúa AN1 đưa về Nghệ An, Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tạo mọi điều kiện để Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An tiếp tục tiến hành vừa khảo nghiệm so sánh với các giống lúa chất lượng cao khác như: Bắc Thơm 7, AC5 và Hương thơm 1, vừa chọn lọc tìm kiếm cá thể ưu tú nhất trong quần thể giống lúa AN1.

Kết quả thật đáng mừng đã chọn tạo ra được một dòng mới đạt được năng suất cao từ 76 - 80 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, kết quả phân tích có hàm lượng Amilose 13,15%, hàm lượng Protein 7,92%, hàm lượng Lipit 7,6%... Với nhiều ưu điểm nổi trội hơn giống lúa ban đầu AN1 và từ đây đặt tên gọi mới là: Vật tư - NA6 (VT-NA6).

Từ thành công này, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã vừa nhân nhanh giống VT-NA6, vừa phối hợp với các Sở NN-PTNT ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh để tiến hành sản xuất thử kết hợp xây dựng mô hình cánh đồng mẫu (CĐM) nhằm quảng bá giống lúa mới VT-NA6 cho người sản xuất biết để tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất trên quy mô đại trà.

Một trong những mô hình để lại nhiều ấn tượng là CĐM ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc đã làm cho đoàn người đến tham quan hội thảo đầu bờ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và lãnh đạo Bộ NN-PTNT ngạc nhiên.

Cánh đồng mẫu này có quy mô hơn 100 ha, lúa rất tốt và dự kiến năng suất bình quân có thể đạt trên dưới 80 tạ/ha, rất hiếm có giống lúa thuần như vậy. Với những ưu điểm vượt trội nói trên, giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách là giống lúa mới tại quyết định số 46 QĐ-BNNTT ngày 8/11/2018.

Từ đó đến nay giống lúa VT-NA6 đã trở thành giống lúa chủ lực trong cơ cấu sản xuất tại Nghệ An với quy mô hàng năm từ 18.000 - 20.000 ha mỗi vụ.

Đặc biệt, giống lúa VT-NA6 đã được Bộ NN-PTNT đưa vào dự án: "Sản xuất, chế biến giống lúa phẩm cấp cao, quy mô công nghiệp và liên kết xây dựng cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo thương phẩm có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho vùng Bắc Trung Bộ".

Xây dựng chuỗi sản phẩm "Gạo xứ Nghệ"

Có được giống lúa VT-NA6 đạt được 2 mục tiêu là năng suất cao và chất lượng gạo ngon, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa VT-NA6 với bà con nông dân chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh kể từ vụ xuân 2019 đến nay trên diện tích gần 1.000 ha trong vụ xuân và 700 ha trong vụ hè thu của các năm 2019, 2020, mở rộng dần ở các năm sau.

Khuyến khích bà con nông dân gắn kết với chuỗi liên kết, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An được sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT, Phòng NN-PTNT ở các huyện, thành thị trong tỉnh, tiến hành ký kết hợp đồng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa VT-NA6 cho bà con nông dân ở tất cả những cơ sở sản xuất tự nguyện liên kết với Tổng Công ty.

Trong hợp đồng có ghi rõ trách nhiệm của mỗi bên (bên A là Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp, bên B là giám đốc các HTX NN đại diện cho bà con nông dân).

Bên A có trách nhiệm cung ứng trước cho bà con hạt giống, phân bón các loại theo định lượng quy định trong quy trình sản xuất mà không phải chịu lãi suất.

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và thâm canh lúa cho người sản xuất, thường xuyên kiểm tra thăm đồng để bổ cứu các biện pháp kỹ thuật cần thiết, nhất là phòng chống sâu bệnh.

Thu mua hết sản phẩm cho nông dân theo giá lúa thị trường tự do, cộng thêm từ 12 - 15% giá khuyến khích sản xuất giống lúa chất lượng cao.

Trong trường hợp mùa màng thất bát do thiên tai bất khả kháng thì Tổng Công ty và bà con nông dân cùng bàn bạc chia sẻ hậu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của mỗi bên.

Về phía bà con nông dân có nhiệm vụ gieo cấy hết diện tích đã ghi trong hợp đồng, thực hiện đúng quy trình sản xuất, bán hết sản phẩm cho Tổng Công ty với yêu cầu hạt lúa phải khô khén, không lẫn tạp các giống lúa khác, không lép lửng…

Bằng cách làm này, mỗi vụ sản xuất Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã thu mua được từ 2.000 - 2.500 tấn lúa VT-NA6 đảm bảo chất lượng tốt.

Để duy trì chuỗi liên kết được phát triển ổn định và bền vững phải có thêm công đoạn chế biến sản phẩm. Theo đó Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp đã nhanh chóng xây dựng nhà máy chế biến gạo hiện đại với công suất 10 tấn/giờ.

Nhà máy xây dựng xong đã đi vào hoạt động 2 năm nay, với sản phẩm mang thương hiệu "Gạo xứ Nghệ" được bày bán rộng rãi trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bằng cách làm này, hy vọng trong tương lai gần ngoài lúa gạo ra sẽ có nhiều chuỗi liên kết khác được hình thành để tạo điều kiện cho nông nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển.



Báo cáo phân tích thị trường