Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lan tỏa sản xuất lúa sạch, chuẩn GAP ở đồng bằng sông Cửu Long
23 | 09 | 2020
ĐBSCL đang đẩy mạnh chương trình phát triển lúa gạo an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Theo Nongnghiep.vn

Đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ

Ông Nguyễn Văn Hương, ở ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài canh tác giống lúa tím sữa theo hướng an toàn, mở ra cơ hội mới cho bà con trồng lúa vùng biên, tạo nên thương hiệu “gạo tím Nghĩa Nhân”.

Năm nay, Đồng Tháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng phân bón thông minh, cày vùi phân bón, cấy lúa bằng máy ở huyện Tam Nông và Tháp Mười, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Hồng Ngự.

Ông Hương cho biết, năm 2017 thấy người bạn quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Hồng, mua giống lúa tím sữa từ miền Bắc về trồng nhưng không thành công. Thấy tiếc, ông Hương liền xin giống về trồng thử trên diện tích 1 ha. Ông bỏ công chăm sóc và trồng theo hướng hữu cơ. Vụ đó cho năng suất rất thấp, chỉ 3 tấn/ha, ông tiếp tục để giống trồng vụ sau. Số lúa còn lại xay gạo để ăn và biếu hàng xóm ăn thử, được mọi người đánh giá gạo ngon.

Đến vụ đông xuân 2019 - 2020 nguồn giống đã được ông Hương thuần chủng tốt, thích ứng với thổ nhưỡng, cây phát triển mạnh. Lúa cho năng suất từ 5 - 5,5 tấn/ha, bán giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, lợi nhuận gấp đôi so với sản xuất lúa truyền thống.

Để có đầu ra ổn định và làm ăn lâu dài, ông Hương đã liên kết với một số doanh nghiệp tại huyện đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá thu mua là 9.000 đồng/kg giống lúa tím sữa, đầu vào sẽ được Công ty cung cấp phân bón, thuốc sinh học, kỹ thuật.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ - Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và nước sạch nông thôn Đồng Tháp, cho biết: Thời gian gần đây người dân Đồng Tháp đã có ý thức hơn trong canh tác lúa, giúp chất lượng lúa hàng hóa ngày càng được nâng cao. Đầu ra hạt lúa cũng thuận lợi hơn là nhờ áp dụng trồng lúa theo các biện pháp khoa học kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” và đặc biệt hơn là trồng lúa hữu cơ theo hướng sạch nói không với phân thuốc hóa học.

Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình, diện tích sản xuất 10 ha. Mặc dù năng suất thấp hơn so với sản xuất theo truyền thống, tuy nhiên với giá bán cao hơn nên vẫn đảm bảo về mặt lợi nhuận cho bà con nông dân.

Mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, sản xuất trên 40 ha, chỉ sử dụng phân hữu cơ. Gạo của mô hình được đăng ký nhãn hiệu “Gạo An Toàn Tâm Việt”, được Công ty trách nhiệm hữu hạn Cỏ May hỗ trợ đóng gói sản phẩm "Gạo An Toàn Tâm Việt" theo tiêu chẩn HACCP.

Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Đồng Tháp cho biết, hiện nay tỉnh thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xác định 5 ngành hàng là 3 cây, 2 con: lúa, hoa cảnh, xoài, cá tra và vịt, trong đó ngành hàng lúa được chọn là chủ lực. Để thực hiện tốt cho ngành hàng lúa gạo, tỉnh tuyển chọn giống tốt, sản xuất lúa sạch, sản xuất theo mô hình liên kết, cánh đồng sản xuất lúa hiện đại, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo động lực mạnh cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Để sản xuất lúa chất lượng, dễ tiêu thụ, vụ lúa đông xuân và hè thu năm nay, tỉnh Đồng Tháp thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hơn 25 ngàn ha, tập trung ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thị xã Hồng Ngự. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp, công ty tham gia liên kết.

Theo ông Tâm, Đồng Tháp mỗi năm có trên 560 ngàn ha sản xuất lúa 3 vụ, bình quân mỗi vụ có khoảng 25-30% diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Đây được xem là hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo ở địa phương. Đồng thời, giúp xây dựng thương hiệu và làm tăng giá trị hạt gạo khi xuất khẩu từ đó giúp nông dân hưởng lợi hơn từ việc canh tác lúa gạo so với canh tác lúa theo truyền thống có sửa dụng phân thuốc hóa học.

Lợi cả đôi đàng

Kiên Giang là tỉnh có diện tích canh tác lúa lớn nhất ĐBSCL, với diện tích gieo trồng hàng năm trên 700 ngàn ha, sản lượng nhiều năm liền luôn đạt hơn 4 triệu tấn. Ngoài vùng sản xuất chuyên canh cây lúa, Kiên Giang còn có diện tích lúa - tôm, khoảng 65 ngàn ha, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng.

Sản xuất theo mô hình luân canh một vụ lúa - một vụ tôm (lúa - tôm), là môi trường thuận lợi cho sản xuất lúa sạch, lúa an toàn hoặc cao hơn là hữu cơ. Ông Kim Dương Liễu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá, cho biết: “Để sản xuất gạo sạch, hữu cơ mang thương hiệu “Kim Thiên Lộc”, chúng tôi đã chọn vùng sản xuất lúa - tôm, ở huyện An Biên để phát triển. Những năm qua, đơn vị đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định 50 ha, sản lượng lúa nguyên liệu khoảng 250 tấn, chế biến được 125-130 tấn gạo đóng túi. Nguồn gạo này được đơn vị chuyên môn phân tích, cấp chứng nhận và hiện chủ yếu cung cấp tiêu thụ trong hệ thống siêu thị  Coop Mart và MM - Mega Market”.

Mặc dù sản lượng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường, nhưng đây được xem là hướng đi đúng đắn, tạo mối liên kết chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả. Nông dân tham gia sản xuất lúa gạo hữu cơ cho hợp tác xã, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, cung ứng toàn bộ lúa giống, vật tư, phân bón hữu cơ… Đặc biệt là không phải lo đầu ra bấp bênh, vì được ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường từ 800-1.000 đồng/kg.

Cái lợi dễ thấy nhất khi tham gia làm lúa hữu cơ là môi trường được bảo vệ tốt, nông dân không còn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, bảo vệ được sức khỏe. Mặc dùng năng suất lúa hữu cơ không cao nhưng bù lại bán được giá nên lợi nhuận vẫn đảm bảo, thậm chí còn cao hơn so với san xuất truyền thống. Môi trường được bảo vệ tốt thì việc nuôi tôm vụ sau cũng hiệu quả hơn.

ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết: Với mục tiêu thúc đẩy chứng nhận ngành nông sản, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, tạo được chuỗi sản xuất giá trị sản phẩm. Tỉnh Kiên Giang đã triển khai các chương trình trên cây lúa. Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế.

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã phát triển được 382 ha mô hình canh tác lúa theo quy trình canh tác thông minh, 2.700 ha cánh đồng lớn, tại các địa bàn trọng điểm, gồm: Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.

Qua các mô hình, ghi nhận rõ nét sự chuyển đổi tích cực các khâu trong sản xuất, như bơm tới tập thể, gieo sạ giảm mật độ, sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt gần 94% diện tích canh tác. Hình thành cánh đồng lớn kết nối bao tiêu với các doanh nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn, có đánh giá, cấp chứng nhận. Đặc biệt, là các mô hình sản xuất hữu cơ để nâng giá trị và chất lượng lúa gạo, tiến tới xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và xây dựng thương hiệu nông sản.

(ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang)

 



Báo cáo phân tích thị trường