Theo Vietnambiz
Dư luận đang xôn xao trước phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) rằng 90% người dân ăn gạo bẩn.
Cụ thể, phát ngôn này của ông được đưa ra tại một hội thảo về xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu tận dụng dụng lợi thế từ hiệp định EVFTA.
Phát ngôn này của ông Bình vấp phải nhiều phải nhiều phản đối từ các cơ quan quản lí, giới chuyên gia.
Để làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với người viết, ông Bình giải thích với ông nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP thì được coi là “Bẩn”.
“Tôi nói “Bẩn” ở đây là nói theo tiêu chuẩn nông sản thực phẩm mà Việt Nam và thế giới đang nói tới và sử dụng như VietGAP hay GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn. Do đó, việc tôi nói “Bẩn” ở đây cũng không sai”, ông Bình nói.
Ông Bình nói thêm: “Không có qui định nào về cách nói, nhưng các nước đều nói là gạo sạch thì mới nhập khẩu! Vậy gạo không sạch thì gọi là gạo bẩn hay gạo không an toàn đều đúng tùy theo cách nói và cách hiểu của người nghe”.
Đại diện Công ty Trung An dẫn chứng về số liệu sản xuất gạo chuẩn VietGAP của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu ha đất lúa, cho ra sản lượng trung bình khoảng 45 triệu tấn lúa/năm, tương đương 25 triệu tấn gạo.
Trong đó, lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn còn lại là sử dụng trong nội địa.
“Theo kinh nghiệm quan sát lâu năm trong ngành lúa gạo, tôi cho rằng diện tích đạt VietGAP chỉ khoảng 400.000 ha, có khi thực tế không tới", ông Bình nói.
Trước đó, trả lời trang Nhà Đầu Tư, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định thông tin 90% người dân ăn gạo bẩn là không chính xác bởi gạo Việt đã có mặt ở các thị trường trên thế giới như châu Á, châu Phi, châu Mỹ với các rào cản về kĩ thuật cao.
Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho hay, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia có hàng rào kỹ thuật như vậy, đương nhiên phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, ở Việt Nam không có vùng nào sản xuất riêng cho xuất khẩu, tất cả đều sản xuất chung phần để ăn và phần để xuất khẩu. Cũng có một số loại gạo hữu cơ sản xuất riêng nhưng với số lượng vài chục nghìn tấn.