Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 1/2021
22 | 02 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Báo cáo tháng 01/2021 của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) tổng kết trong năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tăng 2,3% và đạt 101.598 Nhân dân tệ (tương đương 15,52 nghìn tỷ USD).

Như vậy, nền kinh tế Trung Quốc đã về đích với thành tích vượt xa kỳ vọng, so với mức tăng 0,7% ghi nhận được trong 3 quý đầu năm 2020. Trong quý IV năm 2020, GDP của Trung Quốc đạt mức tăng 6,5%, cao hơn đáng kể con số 4,9% ghi nhận được trong quý III cùng năm. GDP tăng trưởng ở mức 2,3% là mức tăng thấp nhất của Trung Quốc kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978. Tuy nhiên, thành tích trên đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu điêu đứng vì COVID-19. Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu là “cỗ xe tam mã” đã kéo nền kinh tế Trung Quốc vượt qua khủng hoảng và tạo đà giúp tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này đạt mốc kỷ lục 32,16 nghìn tỷ nhân dân tệ, quy mô thương mại quốc tế.

Theo NBS, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã phục hồi ổn định, cùng với đó là việc làm và đời sống của người dân được bảo đảm hiệu quả. Các nhiệm vụ chính về phát triển kinh tế - xã hội đã được hoàn thành tốt hơn mong đợi. Để giảm nhẹ tác động của cú sốc COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp, bao gồm tăng chi tiêu tài chính, giảm thuế, cắt giảm lãi suất cho vay và yêu cầu mức dự trữ tại các ngân hàng để ổn định tăng trưởng cũng như việc làm cho người dân. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trong nước đang từng bước được kiểm soát, nhịp sống tại Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, khi các nhà máy, trường học, các địa điểm du lịch… được mở cửa trở lại.

Số liệu thống kê do NBS công bố cũng cho thấy, trong năm 2020, thị trường lao động của Trung Quốc tiếp tục duy trì ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 5,6%, thấp hơn mục tiêu chính phủ đề ra (khoảng 6%). Cùng với đó, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng năm 2020 - một chỉ số kinh tế quan trọng - cũng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động đầu tư tài sản cố định đã chứng kiến sự phục hồi bền vững, với mức tăng 2,9% trong năm 2020, trong đó, đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chăm sóc y tế và giáo dục tăng nhanh hơn mức trung bình.

Mặc dù những kết quả đạt được đã vượt qua kỳ vọng, NBS vẫn cảnh báo Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn do tình hình dịch bệnh đang thay đổi và tác động từ môi trường bên ngoài. Qua đó, cơ quan này khuyến cáo Trung Quốc cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để củng cố các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế dự báo trong năm 2021, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 8,2%, củng cố triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trước ngưỡng cửa hồi phục do những tiến bộ trong điều chế vaccine COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng còn phụ thuộc vào những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc chặn đứng dịch bệnh tái bùng phát trên diện rộng, cũng như chuyển hướng thúc đẩy chi tiêu từ các chính quyền địa phương và công ty nhà nước lớn sang phía người tiêu dùng và các doanh nghiệp tư nhân.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 1/2021 là do làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới gây ảnh hưởng tạm thời tới hoạt động và sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu của năm mới thường là kỳ nghỉ của lễ hội mùa Xuân. Riêng trong tháng Một, Trung Quốc Đại lục ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Mặc dù số ca mắc mới tại nước này được đánh giá là thấp hơn so với nhiều nước khác, song nhà chức trách lo ngại nguy cơ lây lan nhanh và mạnh hơn trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Do làn sóng mới của dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã phải phong tỏa, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và lĩnh vực dịch vụ, trong đó có logistics và giao thông vận tải.

Vào cuối tháng 12/2020, Trung Quốc đã công bố bản điều chỉnh mức thuế nhập khẩu tạm thời của 883 loại hàng hóa nhập khẩu, vốn đang chịu thuế quan ưu đãi tối huệ quốc (MFN) - áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp dụng điều khoản đối xử MFN. Các mặt hàng được hưởng ưu đãi bao gồm viên uống dầu cá, Cam thảo Trung Quốc, FSMPs, lactoferrin (một loại protein trong sữa mẹ) và các FSMP dành cho trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ sinh non. Ví dụ, thuế suất tạm thời đối với viên uống dầu cá là 6%, thấp hơn so với mức thuế quan 12% của MFN. Đối với các dạng FSMPs dành cho trẻ sinh non/nhẹ cân, thuế suất tạm thời của dầu cá giảm từ 15% còn 0%. Thuế của Cam thảo và lactoferrin giảm lần lượt từ 6% còn 0% và 10% còn 5%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng giảm thuế suất thông thường đối với một số sản phẩm nhất định từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, và Hàn Quốc. Những nước này đã được hưởng thuế suất ưu đãi thông qua các hiệp định thương mại khu vực với Trung Quốc. Mức thuế cắt giảm chung được áp dụng cho các loại bột sữa bán lẽ dành cho trẻ sơ sinh, tỷ suất thuế hiện tại là 0% dành cho Australia và New Zealand. Ưu đãi này cũng áp dụng cho Cam thảo Trung Quốc, hiện trở thành 0% cho Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Việc giảm thuế quan MFN và giảm thuế cho các nước ký kết hiệp định thương mại khu vực có thể tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn đối với một số loại sản phẩm nhất định.

Ngày 26/1/2021, New Zealand và Trung Quốc đã ký kết Nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do song phương năm 2008. Hiệp định vẫn giữ nguyên lộ trình cắt giảm thuế quan hiện có. Ngoài ra, Trung Quốc đã xóa bỏ thuế quan bổ sung đối với 12 loại gỗ và giấy trong 10 năm; sau đó, 99% lượng gỗ và giấy xuất xứ từ New Zealand sẽ được miễn thuế. Đối với sản phẩm sữa, không có sự thay đổi so với năm 2008, tức là đến 1/1/2024, xuất khẩu sữa của New Zealand sang Trung Quốc sẽ hoàn toàn miễn thuế. Cụ thể, hạn ngạch và thuế quan đối với sữa nước, phô mai, bơ sẽ được bãi bỏ từ năm 2022, còn sữa bột sẽ từ 2024.

Theo USDA, sản xuất cam của Trung Quốc năm 2020/21 dự báo sẽ tăng nhẹ lên 7,5 triệu tấn (chiếm khoảng 15,2% tổng sản lượng cam toàn cầu) nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tiêu dùng tươi dự kiến cũng sẽ tăng lên, trong khi chế biến có thể sẽ giảm. Nhập khẩu cam dự kiến vẫn sẽ duy trì ổn định với các nhà xuất khẩu truyền thống là Ai Cập, Nam Phi, Úc, Mỹ và EU. Sản xuất quýt dự báo cũng tăng nhẹ lên 23.1 triệu tấn, giúp Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia sản xuất quýt lớn nhất thế với với sản lượng chiếm khoảng 69,8% sản lượng quýt toàn cầu. Sản lượng bưởi cũng dự báo tăng nhẹ khoảng 5,0 triệu tấn, chiếm khoảng 72,5% tổng sản lượng bưởi toàn cầu.

Cũng theo USDA, sản lượng ngô của Trung Quốc năm 2020/21 dự báo đạt 260,7 triệu tấn, giảm khoảng 100 nghìn tấn so với năm trước do diện tích gieo trồng giảm. Mặc dù miền đông bắc nước này năm nay bị chịu ảnh hưởng của bão lũ, nhưng mức giảm dự kiến sẽ không quá đáng ngại. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là các doanh nghiệp nước này cho biết hàng năm khoảng 8 triệu tấn ngô đã phải tiêu hủy do chất lượng kém vì nhiễm nhiều dư lượng thuốc BVTV. Lúa miến dự báo sẽ không thay đổi mức sản lượng với 3,6 triệu tấn. Lúa mạch tương tự cũng sẽ không đổi với mức sản lượng 0,9 triệu tấn. Sản lượng lúa mì ước đạt 134,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,7 triệu tấn so với năm ngoái. Đặc biệt, sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm 2021 được dự báo là sẽ đạt khoảng 148,3 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn so với năm trước.

Về xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác truyền thống, có kim ngạch nhập khẩu NLTS lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tăng liên tục kể từ tháng 6, kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2020 đạt 901,1 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 11/2020, và 3,4% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 12 năm 2020 là cao su tự nhiên, rau quả, sắn, gỗ, thủy sản, hạt điều và gạo. Trong các mặt hàng chính này, so với tháng 11 năm 2020, gỗ có mức tăng trưởng cao nhất với 30,8%, trong khi thủy sản có mức giảm tăng trưởng cao nhất với -32,8%; tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, gạo có mức tăng trưởng cao nhất với 109,1%, còn mặt hàng có mức giảm tăng trưởng cao nhất vẫn là thủy sản với -39,9%.

Bản tin chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường