Giá cà phê quay đầu giảm mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu, những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Ngành công nghiệp rang xay chậm lại khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nguyên liệu giảm. Đồng Real suy yếu khiến người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh khiến giá cà phê giảm.
Theo số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của Honduras trong tháng 7 tăng mạnh 122,8% so với tháng 7/2020.
Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại Indonesia, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7 đạt hơn 111 nghìn bao, giảm hơn 66% so với tháng 7/2020.
Lũy kế 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2020-2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 1.75 triệu bao, giảm 34% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2019-2020.
Tình trạng thiếu container rỗng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê của Indonesia giảm.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/8, giá cà phê giảm khoảng 7% so với cuối tháng 7 xuống quanh mức 1.754 - 1.756 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/8, giá cà phê arabica giảm 10% so với ngày 30/7, xuống còn khoảng 180 US cent/pound.
Những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê trong nước giảm theo giá thế giới. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương mặt hàng.
Theo đó, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa giảm 2,7% so với cuối tháng 7, xuống còn 35.500 – 36.700 đồng/kg.
Triển vọng tích cực nhờ nguồn cung giảm
Mặc dù giá cà phê đầu tháng 8 giảm nhưng triển vọng giá cà phê toàn cầu được đánh giá tương đối khả quan trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021 - 2022 sẽ giảm 11 triệu bao so với niên vụ 2020 - 2021, xuống gần 165 triệu bao, do yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil.
USDA dự báo xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao, do lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng.
Tiêu thụ cà phê thế giới có thể tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.
Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2021 - 2022 dự kiến giảm gần 8 triệu bao xuống 32 triệu bao.
Theo Tổ Chức Cà phê Quốc tế (ICO), với việc các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đang được nới lỏng ở nhiều nước và triển vọng kinh tế tiếp tục đà hồi phục, tiêu dùng cà phê thế giới được kỳ vọng nối tiếp đà tăng.
Với triển vọng sản lượng giảm đáng kể từ Brazil do ảnh hưởng của đợt băng giá gần đây và yếu tố khí hậu ở nhiều nước xuất khẩu khác kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng, ICO cho rằng cán cân cung cầu dự kiến sẽ đảo chiều từ niên vụ cà phê 2021-2022.