Theo Biên phòng
Cụ thể, 2 phương tiện bị chìm là tàu QNg-95058TS và sà lan ĐN 0494. Trong đó tàu QNg 95058 TS/5 lao động bị phá nước, chết máy. Đến 14 giờ 30 phút ngày 11-9, tàu Cảnh sát Biển 8002 Vùng 2 đã ra hỗ trợ giúp đỡ. Cả 5 lao động trên tàu QNg 95058 TS đều được cứu sống.
Còn tàu kéo số hiệu ĐNa 0494 (số sà lan T03) gồm 13 thuyền viên, do ông Nguyễn Dũng (sinh năm 1964, ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) làm thuyền trưởng, neo trú bão tại vùng biển thôn Đông An Hải, Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bị quấn chân vịt từ trưa ngày 11-9. Thuyền trưởng không khắc phục được, bửa neo, trôi dạt cách khu neo đậu Lý Sơn khoảng 2-3 hải lý.
BĐBP tỉnh Quảng Ngãi thông báo cho các phương tiện đang ở gần khu vực hỗ trợ giúp đỡ. Đến 0 giờ 35 phút ngày 12-9, tàu Cảnh sát Biển 8002 đã đưa 5 thuyền viên tàu cá QNg 95058 TS và 13 thuyền viên tàu kéo ĐNa 0494 về đến cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) an toàn.
Do ảnh hưởng bão số 5, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện mưa to trong đêm 11-9 khiến một số thôn, xã ở miền núi các huyện Hướng Hóa, Đăkrông bị cô lập cục bộ. Tại xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa), mưa lớn khiến cầu tràn nối trung tâm xã vào thôn Cù Bai bị cuốn trôi, hàng trăm hộ dân bị cô lập.
Hệ thống cống tràn Sê Pu tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập cũng bị nước lũ cuốn trôi gây ách tắc giao thông. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập bị gãy và cuốn trôi (chiều dài 20m, rộng 8m).
Bão số 5 khiến 50 nhà dân tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hàng trăm cây bóng mát dọc các tuyến đường bị đổ gãy, tường rào Nhà máy nước Hải Lăng bị sập đã làm sạt lở một số nhà dân ở bên cạnh.
Tại tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của bão số 5, đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to, khiến nhiều nơi mực nước lên nhanh gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số điểm. Mưa lớn khiến tuyến Tỉnh lộ 673 từ Đăk Tả đi xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) bị sạt lở, giao thông bị cản trở; đập Đăk Lôi (huyện Đăk Hà) bị sạt lở, gãy đổ tường cánh và sập sân cửa tràn; Tỉnh lộ ĐH22, đoạn từ Thôn 3 đi Thôn 4 của xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) bị sạt lở ta luy dương; một số hộ dân tại huyện Đăk Glei bị vụ sạt lở làm hư hại nhà cửa, có 2 ngôi nhà bị sập. Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến nhiều vị trí như Km153+170 trên Quốc lộ 24 bị ngập sâu...
Ngoài ra, mưa lớn còn làm 1.070 ha lúa bị ngập, hư hại (Quảng Bình 599 ha, Quảng Trị 450ha, Kon Tum 21ha).
BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động 172 cán bộ, chiến sĩ cùng 6 ô tô phối hợp với lực lượng chức năng di dời 273 hộ/660 khẩu ở khu vực xung yếu đến nơi tránh trú an toàn và hỗ trợ giúp dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu. Người dân được di dời tới các trường học, nhà kiên cố.
Trước đó, BĐBP Thành phố Đà Nẵng điều động 150 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân đưa 646 phương tiện nhỏ (thuyền, thúng gắn máy) lên bờ tránh bão.