Theo Tuổi trẻ Online
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết như thế khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 13-8.
Theo bộ trưởng, hiện mỗi ngày ông nhận rất nhiều thông tin từ các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân ĐBSCL phản ảnh về tình trạng nông sản khó tiêu thụ do nhiều nguyên nhân: do khâu vận chuyển trên đường bị tắc chỗ này chỗ nọ vì kiểm soát đội ngũ lái phụ xe; do thiếu nhân công thu hoạch vì quy định cách ly người đến/về từ vùng dịch; do nhà máy ngừng sản xuất vì không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Và còn do có cách hiểu và vận dụng khác nhau thế nào là mặt hàng thiết yếu...
Trước tình hình ách tắc nông sản và khó khăn của các doanh nghiệp chế biến nông sản, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác thường trực ở phía Nam, lập nhóm Zalo các giám đốc sở nông nghiệp & phát triển nông thôn khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên để nắm thông tin và đưa ra hướng chỉ đạo kịp thời.
Tổ công tác đã trực tiếp phối hợp với các địa phương giải tỏa rất nhiều ách tắc, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Những vướng mắc về nhận thức và cách điều hành của các địa phương dần được khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tuy nhiên, ông Hoan cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, chế biến nông sản.
"Chúng ta cũng cần chia sẻ một điều rằng đợt dịch lần này rất phức tạp, khó lường, lây lan nhanh trên diện rộng, số người nhiễm và người chết tăng cao. Tôi muốn nói điều này để chúng ta chia sẻ với lãnh đạo các địa phương trước tính mạng của con người. Mọi quyết định của lãnh đạo địa phương lúc này là rất khó khăn giữa đánh đổi 'được - mất'.
Hơn nữa, hệ thống tham gia vào công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh rất rộng từ trung ương đến tận cấp xã. Hệ thống càng rộng thì sự thiếu nhất quán lúc này chỗ kia là không tránh khỏi", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay để gỡ khó cho nông sản, ông cũng vừa có thư gửi lãnh đạo các địa phương ĐBSCL, mong muốn các lãnh đạo địa phương cần quan tâm tính đặc thù của chuỗi ngành hàng trong nông nghiệp. Trong chuỗi ngành hàng đó có sự tham gia của rất nhiều thành phần hoạt động trên diện rộng, không giới hạn trong một địa giới hành chính: xã, huyện, tỉnh.
Đó là người nông dân, thương lái, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào... Thương lái Đồng Tháp thu mua lúa ở Hậu Giang. Doanh nghiệp Cần Thơ tiêu thụ lúa ở Đồng Tháp. Giống cá tra ở Long An phân phối cho Trà Vinh, Bến Tre. Giống tôm nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... xuất xứ từ các tỉnh miền Trung.
Nói như vậy để thấy hệ thống càng rộng càng dễ đứt gãy và để hạn chế đứt gãy thì cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng.
Công nhân đang khẩn trương đóng thùng container gạo để xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đây là dịp cần có tư duy liên kết vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ như các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã phối hợp kiến nghị với Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo tháo gỡ cho nông dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, hai bộ cũng phối hợp tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản sắp vào vụ tới. Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã làm việc với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội bán lẻ, mạng lưới vận chuyển trực tuyến của các doanh nghiệp bưu điện như VN Post, Viettel Post, các trang thương mại điện tử. Đồng thời thường xuyên làm việc với các cơ quan quản lý thương mại biên giới phía Trung Quốc để tháo gỡ ách tắc một số nông sản.
"Tuy nhiên, thường bao giờ cũng có độ trễ chính sách, nhất là tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng. Hiện nay, tình hình khó khăn tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL đã cơ bản giải quyết, giá lúa đã nhích lên. Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn sẽ tiếp tục theo sát, nắm bắt thông tin sản lượng và mùa vụ thu hoạch sắp tới, đặc biệt là lúa gạo khu vực vùng ĐBSCL", ông Hoan nói thêm.