Theo Dân Việt
Giá lúa gạo hôm nay 31/7: Giá lúa hè thu giảm, nông dân tiêu thụ khó khăn
Theo khảo sát của Sở NNPTNT An Giang, giá lúa gạo hôm nay 31/7 vẫn duy trì ở mức thấp. Theo đó, giá lúa nếp vỏ (tươi) ở mức 4.000 - 4.200 đồng/kg; giá lúa nếp Long An tươi ở mức 4.700 - 4.850 đồng/kg.
Giá lúa IR50404 ở An Giang ghi nhận ở mức 4.800 - 5.200 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 đạt 6.000 - 6.200 đồng/kg.
Theo phản ánh của nhiều nông dân, giá lúa hè thu ở nhiều nơi giảm nguyên nhân một phần là do các thương lái, ghe không thể vào thu mua lúa.
Ông Châu Tiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện tỉnh đã thu hoạch được 40% diện tích lúa hè thu với sản lượng dự kiến vụ này đạt 800.000 tấn. Tổ phản ứng nhanh của tỉnh đã kịp thời gỡ rối khiến việc lưu thông, vận chuyển khá ổn định.
"Tuy nhiên, cái khó của địa phương hiện nay là việc tiêu thụ lúa gặp khó khăn do thương lái không thể đến thu mua, khâu thu hoạch cũng đang vướng vì nhiều nơi nông dân không được ra đồng nên thiếu lao động trầm trọng. Nếu không giải quyết kịp thời có thể làm đứt gãy vụ thu đông, ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo" - ông Thọ nói.
Đây cũng là trăn trở của đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng. Tại Sóc Trăng, nhiều loại trái cây và lúa hè thu đang vào cao điểm thu hoạch nhưng hiện tại ghe, thương lái rất khó vào Sóc Trăng mua lúa cho bà con.
"Đề nghị các tỉnh trong khu vực khi có giấy giới thiệu của Sở NNPTNT thì tạo điều kiện cho ghe thu mua lúa gạo đi qua các tỉnh" - đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.
Tại sao giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm?
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6/2021 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 226 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3 triệu tấn với giá trị 1,64 tỷ USD, giảm 14,8% về khối lượng và giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2021 đạt 543 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 với 35,6% thị phần.
Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 944.000 tấn và 502 triệu USD, giảm 27,5% về khối lượng và giảm 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,90% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 39,88%; gạo nếp chiếm 17,47%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,66%, còn các loại gạo khác chiếm 0,08%.
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 81,25%), Philippin (chiếm 6,14%) và Malaysia (chiếm 5,47%).
Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (loại 5% tấm) chỉ chào bán với giá từ 400-404 USD/tấn trong khi thời điểm giữa tháng 5/2021, được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn, tức đã giảm trên 110 USD/tấn.
Một số doanh nghiệp xuất gạo ở ĐBSCL cho rằng, giá xuất khẩu gạo Việt Nam được điều chỉnh giảm nhằm mục đích làm gia tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ.
Bởi hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ được chào bán với mức 383-387 USD/tấn, giá gạo Thái Lan 390-394 USD/tấn.
Với mức giá mới như hiện nay, kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, Theo báo cáo của FAO, Bangladesh có thể nhập khẩu tới 1,8 triệu tấn gạo trong năm 2021, mức cao nhất trong 4 năm.
Bangladesh hiện nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi xảy ra lũ lụt liên tiếp năm ngoái, phá huỷ mùa màng và đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.
Đây có thể là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy sang thị trường này.