Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính quyền và doanh nghiệp chung tay không để đứt gãy chuỗi ngành hàng lúa gạo
16 | 08 | 2021
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bốn tỉnh khu vực ĐBSCL thống nhất việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, thương lái, công nhân, phương tiện trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển… để chuỗi ngành hàng lúa gạo không bị đứt gãy.

Theo VOV

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương, doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL gặp khó khăn, vướng mắc trong chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo. Mới đây, UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp kết nối tiêu thụ lúa. Bốn tỉnh thống nhất việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, thương lái, công nhân, phương tiện trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển… để chuỗi ngành hàng lúa gạo không bị đứt gãy. 

Vụ lúa Hè-Thu này, tỉnh Kiên Giang, gieo sạ với diện tích là hơn 280.000 ha, đã thu hoạch được khoảng hơn 50%, năng suất trên 5,6 tấn/ha, ước đạt khoảng gần 1,54 triệu tấn. Dự kiến đến ngày 15/9 này sẽ thu hoạch dứt điểm lúa hè-thu. Đối với vụ Thu-Đông này, địa phương gieo sạ khoảng gần 90.000 ha, sản lượng ước tính khoảng hơn 470.000 tấn.

Hiện nay, lượng lúa cần phải tiêu thụ trong thời gian tới là khoảng 1,44 triệu tấn. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay khó khăn nhất vẫn là khâu vận chuyển. Do đó, các địa phương trong vùng cần tạo điều kiện hợp lý cho các phương tiện đường thủy, đường bộ vận chuyển lúa.

“Lúa hiện nay đang thu hoạch, lại là mùa mưa, nếu để 1 đêm qua ngày hôm sau thì nó sẽ mọc mầm. Do đó, tôi yêu cầu, đối với phương tiện vận chuyển lúa không có quy định giờ, mà từ 18h đến 6h đều được vận chuyển suốt. Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, vì hiện nay nhiều tỉnh phân biệt vùng xanh, vùng đỏ; mà vùng xanh và đỏ khó qua lại với nhau” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, đến thời điểm này, lúa Hè - Thu năm nay của địa phương đã thu hoạch xong; dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ thu hoạch rộ vụ lúa Thu - Đông với diện tích khoảng 58.000 ha, ước đạt sản lượng khoảng 300.000 tấn. Trên địa bàn có 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, hiện các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vốn.

 Còn đối với Đồng Tháp, diện tích gieo sạ là gần 130.000 ha, hiện đã thu hoạch được hơn 85% diện tích. Dự kiến đến giữa tháng 9 này, Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên bước sang tháng 9 này, lúa vụ Thu-Đông địa phương cũng bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Diện tích sẽ thu hoạch khoảng 66.000 ha, ước sản lượng thu hoạch hơn 390.000 tấn.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổng số doanh nghiệp lương thực trên địa bàn tỉnh có hơn 180 doanh nghiệp, hiện đã có 150 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”; còn gần 30 doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động, với công suất thực tế khoảng 19.000 tấn nguyên liệu lúa/tháng.

Bên cạnh đó, lượng lúa, gạo tồn kho của các doanh nghiệp này còn khá nhiều với hơn 135.000 tấn. Trong khi khả năng thu mua của các doanh nghiệp chỉ tiếp nhận được tối đa thêm được 20.000 tấn lúa nguyên liệu là đã đủ 100% công suất. Đây cũng là thách thức với ngành hàng lúa gạo.

Ông Nguyễn Phước Thiện cho biết thêm: “Lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các thương lái thu mua chủ yếu là ở tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang… chiếm khoảng 70%; còn 30% còn lại là xay xát và chế biến trên địa bàn tỉnh. Do đó, rất cần các tỉnh bạn lân cận hỗ trợ cho thương lái, vận vận chuyển, xay xát…

Tôi đề nghị Công ty Lương thực Miền Bắc chia sẻ những khó khăn với các bà con nông dân của Đồng Tháp nói riêng, cũng như là các tỉnh của ĐBSCL trong việc thu hoạch lúa Hè-Thu và chuẩn bị cho vụ Thu-Đông sắp tới nói chung. Kiến nghị với Chính phủ và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ ”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ Hè-Thu năm nay, địa phương sản xuất gần 230.000 ha lúa, nếp. Đến nay, An Giang đã thu hoạch được 65% diện tích xuống giống, dự kiến đến hết tháng 8 này, tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm số diện tích lúa, nếp còn lại. Hiện nay, giá thu mua lúa đang có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích là 16.000 ha.

Ông Phạm Xuân Quế, Tổng giám đốc Vinafood1 cho biết, hiện nay, doanh nghiệp không khó khăn về vốn, nhưng lại khó khăn về kho chứa. Cụ thể, hàng tồn tại các kho của doanh nghiệp hiện nay,  khoảng 118.000 tấn gạo; sức chứa của các kho chỉ còn lại khoảng 20%. Bên cạnh đó, do đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu, nên việc xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 8, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 80.000 tấn gạo, tuy nhiên đến nay khách hàng chưa tìm được tàu vận chuyển gạo đi.

Ông Phạm Xuân Quế cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực tại các nhà máy... Điều này càng gây khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

“Nếu hàng không được giải phóng ra khỏi kho, thì rất khó khăn trong việc đẩy mạnh thu mua, bởi sức chứa của kho có giới hạn. Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, các chi nhánh có kho tại khu vực ĐBSCL, kho nào chưa mua đủ, thì mua tối đa đầy hết số lượng kho.

Tuy nhiên, tổ chức trên một số địa phương lại bị ách tắc, chưa cho sản xuất trở lại, nên tôi mong sớm có phương án thống nhất giữa các địa phương, từ việc tổ chức sản xuất, vận chuyển, lưu thông… nếu không làm sớm, không triển khai thì vụ Thu-Đông sắp tới cũng sẽ gặp khó khăn” - ông Quế bày tỏ.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa một số tỉnh trong vùng ĐBSCL mới đây, các địa phương cho rằng, do việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng thời gian qua gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Mặt khác, giá lúa đang thấp, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao, do đó cần có kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, cần xem xét tìm giải pháp giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để chia sẻ với người nông dân.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp 4 tỉnh thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, vụ lúa Hè-Thu này, còn khoảng 3 triệu tấn lúa nhưng đến nay gặp ách tắc trong khâu thu hoạch và vận chuyển, dẫn đến giá lúa thấp.

Ông Trần Anh Thư, phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định địa phương đang phấn đấu cố gắng xây dựng "vùng xanh" tại 4 huyện của tỉnh; đồng thời thống nhất với 4 tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, thương lái, công nhân phương tiện trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển… không để chuỗi ngành hàng lúa gạo bị đứt gãy.

"Bốn tỉnh thống nhất, tạo điều kiện cho lực lượng kỹ thuật của các Công ty xuống để đánh giá chất lượng lúa trước khi quyết định thu mua; đội ngũ này, đề nghị Công ty làm danh sách, sau đó chúng tôi sẽ hỗ trợ về test cũng như các điều kiện đi lại.

Khâu thứ hai là khâu vận chuyển, các tỉnh thống nhất như thế này, hệ thống các phương tiện vận chuyển logistics bao gồm: Sà lan, ghe thu mua… được phép đi lại trên địa bàn của 4 tỉnh với 2 điều kiện: Tất cả con người trên phương tiện đều được xét nghiệm và có danh sách", ông Thư nêu rõ.

Bốn địa phương trong vùng ĐBSCL đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành mở rộng vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Đồng thời, tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo./.



Báo cáo phân tích thị trường