Nguồn: Vnexpress.net
Lợi nhuận tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước là mẫu số chung của nhiều doanh nghiệp cao su trong mùa báo cáo tài chính quý III. Cụ thể, các thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) như Cao su Đắk Lắk (DRG), Cao su Tân Biên (RTB), Cao su Bà Rịa (BRR)... đều có lợi nhuận tăng trên 300%.
Riêng Cao su Phước Hòa (PHR) tuy lợi nhuận chỉ tăng 0,3% nhưng giá trị tuyệt đối lại lớn hơn nhiều công ty khác, ở mức 170 tỷ đồng. Không nằm trong nhà GVR nhưng Cao su Thống Nhất (TNC) cũng có lợi nhuận tăng kỷ lục 466%...
Giá bán và sản lượng cùng tăng mạnh là nguyên nhân giúp nhiều doanh nghiệp cao su ghi nhận kết quả tích cực trong quý này. Cao su Đắk Lắk cho biết, trong quý vừa qua, giá bán mủ tại công ty con ở Lào (DRI) tăng 42% lên 1.758 USD một tấn. Nhờ vậy, dù sản lượng bán hàng giảm gần 30% nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng 31%. Công ty con ở Campuchia cũng ghi nhận giá bán tăng 29% trong khi sản lượng bán ra tăng 25%.
Trong nước, Cao su Tân Biên cũng ghi nhận giá bán mủ đã tăng 9 triệu đồng một tấn so với cùng kỳ. Giá bán bình quân trong quý III đạt mức 38 triệu đồng một tấn.
Không chỉ các doanh nghiệp lãi đột biến mới ghi nhận giá bán "vàng trắng" tăng mạnh. Đơn cử, dù lợi nhuận giảm nhẹ 3% trong kỳ (chủ yếu do cây cao su thanh lý giảm) nhưng Cao su Đồng Phú (DPR) vẫn xác nhận giá bán bình quân đang cao hơn quý III/2020 đến 9,2 triệu đồng một tấn.
Doanh nghiệp này bán ra hơn 4.800 tấn cao su với giá trung bình hơn 41 triệu đồng một tấn. Về xuất khẩu, lũy kế 9 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú thu về 5,65 triệu USD, tăng 166% so với giá trị xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su tăng cao đã tác động mạnh tới lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong ngành từ đầu năm đến nay. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý III, tổng sản lượng xuất khẩu cao su dù giảm 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị tăng gần 24% lên mức 970 triệu USD.
Giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.643 USD một tấn, tăng 32%. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD. Riêng giá trị cao su xuất khẩu đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) chỉ ra, nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm nay sẽ tăng 9% so với năm trước, lên hơn 14 triệu tấn. Triển vọng được điều chỉnh nhờ dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Riêng Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su đứng đầu của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước.
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 7 đến tháng 11, nước này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Do đó, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt từ tháng 9 đến cuối năm và thêm 2 triệu tấn cho 4 tháng đầu năm 2022.
Đặc thù của cây cao su là sản lượng sẽ tập trung vào những tháng cuối năm. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn đề ra kế hoạch thận trọng trong quý IV. Cao su Bà Rịa dự kiến lãi trước thuế 64 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Cao su Hòa Bình (HRC) lại chỉ đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 65 tỷ đồng và lãi trước thuế 350 triệu đồng, lần lượt giảm hơn 17% và gần 95% so với cùng kỳ.