Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lợi nhuận DN ngành cao su: Đàn hồi theo giá bán
19 | 05 | 2009
Năm 2009, với việc giá cao su tự nhiên đang tăng trở lại, nhiều khả năng các DN cao su đều vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2009.

Báo cáo phân tích của CTCK Kim Eng cho biết, năm 2008, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng cao su tự nhiên với 663.000 tấn. Tuy nhiên, khoảng cách về sản lượng khai thác hàng năm của Việt Nam so với các nước khác như Thái Lan (3,09 triệu tấn), Indonesia (2,75 triệu tấn) và Malaysia (trên 1,02 triệu tấn)… là rất lớn.

Trong cuộc giao lưu mới đây tại CTCK Kim Eng, một NĐT đề nghị lãnh đạo CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) công bố dự kiến lợi nhuận của Công ty 3 năm tới, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DPR cho biết, đây là việc làm bất khả thi.


Hiệu quả hoạt động của ngành phụ thuộc vào giá bán trên thị trường quốc tế và tại thời điểm hiện nay, không thể dự báo giá bán trong vài năm tới.


Ông Hải cho biết, chu kỳ sinh trưởng của cây cao su khoảng 27 năm. Tùy theo giống cây, đất canh tác, thời gian cây cao su đưa vào khai thác mất khoảng 5 - 8 năm kể từ khi trồng.


Năng suất phụ thuộc vào độ tuổi cây. Giai đoạn từ 18 đến 23 năm tuổi, cây cho năng suất cao nhất, bình quân khoảng 2,2 - 2,4 tấn/héc-ta/năm.


Đặc thù của ngành khai thác mủ cao su là sử dụng nhiều lao động, khai thác theo phương pháp thủ công, hàm lượng công nghệ không cao. Chi phí nhân công trực tiếp chiếm tới 60 - 70% giá thành, chi phí phân bón, công cụ chiếm thêm khoảng 10 - 15%.


Không có sự khác biệt lớn về công nghệ chế biến giữa các đơn vị hoặc các quốc gia trong việc khai thác và sơ chế sản phẩm mủ cao su. Lợi thế của DN, sự khác biệt trong ngành chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố: khí hậu, thổ nhưỡng, tay nghề và kinh nghiệm kỹ thuật của đội ngũ công nhân... Vì vậy, giá bán sẽ quyết định lợi nhuận của DN.


Mức giá này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quan hệ cung - cầu, giá dầu thô trên thị trường quốc tế (ảnh hưởng đến giá cao su nhân tạo), yếu tố mùa vụ…

Nhận xét của ông Hải đã thể hiện rõ trong năm 2008, lợi nhuận của DN ngành cao su Việt Nam đàn hồi theo giá bán trên thị trường quốc tế.


Trong 3 quý đầu năm, giá mủ cao su tăng nhanh, giá bán cao su trong nước đạt đỉnh cao nhất vào tháng 6 với giá 57 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ đầu quý IV/2008, trên thị trường quốc tế, giá cao su tự nhiên rơi tự do, giảm 50% trong vòng 2 tháng. Lợi nhuận của DN ngành cao su giảm mạnh trong quý IV.


Chẳng hạn như tại CTCP Cao su Hòa Bình (HRC), ông Bùi Phước Tiên, Kế toán trưởng cho biết, nếu như 9 tháng đầu năm 2008, mức giá bán thực hiện của HRC là 46,5 triệu đồng/tấn, lãi 17,5 triệu đồng/tấn, ở mức giá 29 triệu đồng/tấn vào tháng 10/2008, thì lợi nhuận Công ty "co" lại 7 triệu đồng/tấn…

Báo cáo phân tích của CTCK Kim Eng cho biết, năm 2008, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng cao su tự nhiên với 663.000 tấn. Tuy nhiên, khoảng cách về sản lượng khai thác hàng năm của Việt Nam so với các nước khác như Thái Lan (3,09 triệu tấn), Indonesia (2,75 triệu tấn) và Malaysia (trên 1,02 triệu tấn)… là rất lớn.

Khoảng cách này khiến DN Việt Nam không chủ động được về giá cũng như sản lượng, mà phụ thuộc vào sự biến động chung của giá bán quốc tế. Sự bị động về giá bán khiến lợi nhuận của DN cao su giảm mạnh về cuối năm, khi giá bán trên thị trường quốc tế rớt theo chiều thẳng đứng.

Sự u ám của ngành cuối năm ngoái khiến các DN đều xây dựng mức kế hoạch kinh doanh năm 2009 thận trọng.

Định mức của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quy định, chi phí nhân công vẫn chiếm 40% doanh thu, nên DN khá chủ động trong việc xây dựng giá thành từng năm, qua việc điều chỉnh tiền lương.


Ông Nguyễn Thái Bình, Kế toán trưởng CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, nếu như năm 2008, kế hoạch giá thành của TRC là 25 triệu đồng/tấn do giá bán cao thì năm nay, giá thành chỉ còn là 15,5 triệu đồng/tấn với giá bán dự kiến bình quân 22 triệu đồng/tấn.


Tương tự, DPR xây dựng kế hoạch giá thành ở mức 16 triệu đồng/tấn, HRC là 20 triệu đồng/tấn. Với giá bán bình quân dự kiến là 22 - 23 triệu đồng/tấn, kế hoạch thận trọng này đảm bảo cho các DN cao su có lãi.

Nhưng thực tế đang tốt hơn dự kiến khá nhiều. Ông Bình cho biết, vào trung tuần tháng 5, giá bán trung bình của TRC là 33 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, đại diện của DPR và HRC cho biết, giá bán trung bình là 28 - 29 triệu đồng/tấn.


Hiện tại, các công ty mới trở lại khai thác sau thời gian tạm ngưng do yếu tố mùa vụ. Quý II cũng chưa phải vào vụ sản xuất chính, các công ty mới chủ yếu chế biến và tiêu thụ lượng hàng dự trữ. Nhưng đại diện của cả 3 DN đều cho biết, các công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn.

Những hợp đồng này chiếm 60 - 70% sản lượng dự kiến tiêu thụ. Đây là mức khá so với nhiều DN khác trong ngành. Hợp đồng dài hạn khác với hợp đồng giao ngay ở chỗ, DN có thể chủ động giao hàng về chủng loại, khối lượng hàng tháng. Với hợp đồng giao ngay, DN không thể chủ động trong sản xuất và canh giá bán tại thời điểm tốt nhất.

Hiện tại, 3 nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Malaysia, Thái Lan và Indonesia đang lên kế hoạch cắt giảm khối lượng cao su xuất khẩu trong quý II/2009 nhằm bình ổn giá cao su. Đây là biện pháp đẩy giá cao su lên, do thời gian qua giá sụt giảm mạnh vì nhu cầu trong ngành công nghiệp ôtô bị giảm sút.


Theo xu hướng tăng của giá dầu, giá cao su tự nhiên đang được giao dịch ở mức khá cao, khoảng 1.500 - 1.600 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức đáy 1.200 USD/tấn trong tháng 1. Điều này đang tạo ra sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngành cao su.


Kể từ đầu tháng 5, giá cổ phiếu DPR, TRC, HRC đã tăng trên dưới 50%. Năm 2009, các DN đều tăng trưởng lợi nhuận âm do giá bán giảm mạnh, tuy nhiên với việc giá cao su tự nhiên đang tăng trở lại, nhiều khả năng các DN cao su đều vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2009.



Nguồn: www.kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường