Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao su chịu ảnh hưởng nặng nhất khi xảy ra suy thoái
15 | 01 | 2010
Hiện có đến 85% sản lượng trong tổng số 660.000 tấn cao su hàng năm của VN dùng để XK dưới dạng nguyên liệu thô nên cao su là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất khi xảy ra suy thoái kinh tế.

Những diễn biến của thị trường trong quý IV năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 đã cho thấy điều đó. Nếu tháng 8/2008, giá XK mủ cao su đạt mốc kỷ lục 3.300 USD/tấn thì những tháng cuối năm, giá giảm còn trên dưới 1.000 USD/tấn.

Ở trong nước, giá bán cao su giảm mạnh xuống mức 20 triệu đồng/tấn, có thời điểm chỉ còn 15 triệu đồng/tấn. Trong khi các Cty cao su quốc doanh còn cầm cự được thì các hộ cao su tiểu điền lâm vào cảnh "bỏ thì thương,vương thì nợ".

Trước tình hình đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG) 1 trong 8 tập đoàn kinh tế lớn của cả nước, đơn vị giữ vai trò chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu cao su của Việt Nam thận trọng khi đề ra các chỉ tiêu, kế hoạch cho năm 2009. Cụ thể, giá bán dự kiến 20 triệu đồng/tấn. Tổng doanh thu 10.450 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 3.265 tỷ, nộp ngân sách 874 tỷ đồng. Các chỉ số này đều thấp hơn khá nhiều so với kết quả đạt được trong năm 2008 (giá bán bình quân đạt 39,7 triệu đồng/tấn, doanh thu từ cao su xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.318,116 tỷ đồng).

Bên cạnh thị trường tiêu thụ không thuận lợi thì năm 2009, ngành cao su cũng bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão lũ vừa qua. Chỉ tính riêng cơn bão số 9 và 11 đã làm trên 4.000 ha cao su của các đơn vị thành viên VRG ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên bị gãy đổ một phần hoặc toàn bộ. Năng suất bình quân toàn VRG dự kiến chỉ còn ở mức 1,7 tấn/ha so với kế hoạch 1,78 tấn/ha, hao hụt sản lượng từ 3.000 -  4.000 tấn. Tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Sau khi "lao dốc" không phanh vào cuối năm 2008 và quý I/2009, giá cao su đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ vào đầu tháng 4/2009, tăng dần đều trong quý II, quý III và đặc biệt tăng mạnh trong hai tháng 11 và 12. Giá XK từ chỗ chỉ trên 1.100 USD/tấn hồi đầu năm, nhích lên 1.500 - 1.600 USD vào giữa năm và cuối năm đã bứt lên trên 2.400 USD/tấn (46 triệu đồng/tấn). Tại các vườn cao su tiểu điền, việc mua bán mủ sôi động trở lại.

Do giá cao su không giảm sâu và giữ đáy quá lâu nên VRG điều chỉnh các doanh số theo hướng tăng lên so với kế hoạch đầu năm. Cụ thể, VRG nâng giá bán bình quân từ 22 triệu đồng lên 25 triệu đồng/tấn, lợi nhuận bình quân 8 triệu đồng/tấn (năm 2008 là 10 triệu đồng/tấn), cao hơn mức dự kiến đầu năm 2 triệu đồng/tấn. Năm 2010 sẽ trồng mới 70.000 ha để diện tích cao su cả nước đạt 650.000 ha, sản lượng đạt 800.000 tấn, kim ngạch XK đạt 1,6 tỷ USD, mở rộng công suất chế biến khoảng 220.000 tấn.

Dù năm 2009 VRG có trên 4.000 ha cao su bị hư hại do bão lũ, nhưng các đơn vị thành viên đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành kế hoạch khai thác được giao. Theo Hiệp hội Cao su VN, năm qua cao su là một trong những mặt hàng nông sản có mức giảm giá mạnh nhất, nhưng kim ngạch XK vẫn đạt khoảng 1,1 tỷ USD, và đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành cao su đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sang năm 2010 VRG tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển ngành cao su cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng Tây Nguyên, Tây Bắc; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Định hướng quan trọng của ngành cao su VN sắp tới là phải tập trung phát triển theo chiều sâu, hạn chế XK cao su nguyên liệu dạng thô. Cụ thể là bằng cách quan tâm, đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, tăng thêm nguồn thu giá trị gia tăng, tạo thêm công ăn việc làm, sản xuất ra nhiều sản phẩm tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường