Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năng suất tăng vượt trội nhờ... "trẻ hóa" cà phê
10 | 12 | 2021

laodong.vn - Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông với tổng diện tích hơn 131.000ha. Thông qua chương trình tái canh, nhiều vườn cà phê ở Đắk Nông đã được "trẻ hóa" mang lại năng suất, hiệu quả vượt trội cho người nông dân. 

Năng suất vượt trội

Hiện nay, người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Qua thực tế, các vườn cà phê thực hiện chương trình tái canh đều cho năng suất vượt trội. 

Gia đình ông Đào Thanh Tùng (ở huyện Tuy Đức) có 1,8ha cà phê trồng bằng giống cũ, già cỗi, cho năng suất chưa đầy 2 tấn. Năm 2015, ông Tùng thực hiện việc tái canh 1,8ha cà phê này bằng hình thức thay thế giống mới. 

Hiện nay, vườn cà phê của gia đình ông Tùng đã bước vào thời kỳ thu hoạch chính vụ. "Với 1,8ha, vụ cà phê năm nay gia đình tôi thu về trên 5 tấn nhân, cao hơn trước đây khoảng 3 tấn" - ông Tùng khẳng định. 

Cũng tái canh cà phê, nhưng gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở huyện Đắk Song lại chọn phương án ghép chồi. Theo anh Hanh, năm 2016, gia đình anh thực hiện tái canh 2ha cà phê già cỗi, cho năng suất thấp. Việc ghép chồi có ưu điểm là có thể tận dụng được những gốc cà phê cũ còn khỏe mạnh, nhanh có thu nhập hơn so với trồng mới.

"Trước đây, trên diện tích 2ha cà phê già cỗi gia đình tôi chỉ thu được tầm 4 tấn là hết sức vất vả. Thế nhưng, hiện nay, 2ha cà phê sau khi tái canh năm nào cũng mang về cho gia đình trên 8 tấn cà phê nhân. Như vậy, năng suất sau khi tái canh cà phê đã gia tăng vượt trội, thậm chí gấp đôi so với giống cũ" - anh Hanh cho biết. 

Tính đến năm 2021, Đắk Nông đã tái canh được trên 20.500ha cà phê, đạt 68,36%. Trong đó, tái canh bằng hình thức trồng mới trên 17.300ha và ghép cải tạo gần 3.300ha. Khảo sát thực tế cho thấy, những vườn cà phê trước tái canh đạt trung bình khoảng 2,5 tấn/ha, sau tái canh tăng lên từ 3-4 tấn/ha.

Nâng cao giá trị cho cây cà phê

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đang gắn việc tái canh cà phê với với việc tái cơ cấu lại ngành hàng này. 

Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Qua đó, từng bước tạo ra sự đồng bộ từ quy hoạch sản xuất đến chế biến, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cà phê.

"Những vùng trồng cà phê không phù hợp, không nằm trong quy hoạch sẽ được vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Còn người trồng cà phê nằm trong vùng quy hoạch thì sẽ được hưởng lợi nhiều lợi ích về nhiều mặt vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận thị trường..." - bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho hay.

BẢO LÂM

 



Báo cáo phân tích thị trường