Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ 16 tỉ USD trong năm 2022 có quá thận trọng?
17 | 01 | 2022
Với giá trị đạt được trong năm 2021 là 15,87 tỉ USD, mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2022 ở mức 16 tỉ USD có quá “khiêm tốn” và thận trọng?

Nguồn: laodong.vn

1 năm xuất khẩu gỗ vượt "bão" COVID-19 thành công

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), năm 2021, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,87 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỉ USD); xuất siêu cả năm ước đạt 12,94 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm trước.

Với những kết quả đạt được nêu trên, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản chiếm trên 30% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% trị giá xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Trị giá xuất siêu gỗ và lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản (đạt 12,94 tỉ USD tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước) đã đóng góp quan trọng vào trị giá xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tác động chính khiến ngành gỗ có sự chuyển biến tích cực vượt qua COVID-19 là nhờ những chính sách và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ nhằm duy trì sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nhấn mạnh: Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ nút thắt về lưu thông nguyên liệu, hàng hóa, nhân lực, thống nhất và chuyển hướng về chiến lược chống dịch từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã hỗ trợ doanh nghiệp “phá băng” để nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trở lại.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 16 tỉ có quá "khiêm tốn"?

Đó là câu hỏi được giới thương mại đặt ra, khi ngành gỗ có nhiều yếu tố hỗ trợ từ phía thị trường, để tăng xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là các thị trường Mỹ, châu Âu (EU) đang là lợi thế của ngành gỗ Việt Nam.

Theo Viforest, là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2021, Mỹ chi tới 9 tỉ USD mua đồ gỗ của Việt Nam, tăng 24,6% so với năm 2020, chiếm 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và đánh giá cao.

Tại thị trường EU, dư địa xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam cũng còn rất lớn khi đây là thị trường đang có nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất cao. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 1,8% tổng lượng và 2,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường dù tỉ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này chiếm tới 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới EU. Điều này cho thấy, dư địa xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn rất lớn.

Tại thị trường Canada, trong năm 2021, về mặt hàng ghế khung gỗ, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp chính cho Canada, chiếm tới 83% tổng trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của nước này. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 617,4 triệu USD, tăng 44,9%, chiếm 32,4% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ.

Đối với mặt hàng đồ nội thất, Trung Quốc và Việt Nam là 2 thị trường cung cấp chính đồ nội thất phòng khách và phòng ăn cho Canada, trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 36,1% và Việt Nam chiếm 21,5% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Canada. Trong năm 2022, nhu cầu đối với các mặt hàng này của Canada dự báo vẫn tiếp tục ổn định.

Cùng với các lợi thế nêu trên, ngành gỗ cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2022. Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết, giá nhân công Việt Nam không còn rẻ, trong khi giá vận chuyển tăng lên mức rất cao, từ 15.000 lên 20.000 USD/ container sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, các “đối thủ” của ngành gỗ Việt  Nam, như Mexico và Ba Lan, dù giá nhân công cao hơn nhưng giá vận chuyển lại cạnh tranh hơn. Điều này có thể khiến một số nhà mua hàng cân nhắc dịch chuyển đơn hàng sang 2 quốc gia này nhằm giảm được gánh nặng chi phí logistics đang tăng cao.

Từ những phân tích về những khó khăn và thuận lợi nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu gỗ năm 2022 vẫn nhiều lợi thế và con số 16 tỉ USD mà ngành lâm nghiệp đặt ra trong năm nay là còn "khiêm tốn" và thận trọng, bởi trong điều  kiện khó khăn của năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt gần 16 tỉ USD.



Báo cáo phân tích thị trường