Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ vọng xuất khẩu hạt điều lập kỷ lục mới trong năm 2022
08 | 02 | 2022
Với kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2021 đạt kỷ lục 3,64 tỉ USD, ngành điều đặt nhiều kỳ vọng về thương mại điều trong năm 2022.

Kỳ vọng tăng trưởng ở thị trường Châu Âu còn nhiều dư địa

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau Mỹ, Châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam hiện đã có thị phần tại 23 thị trường thành viên EU.

Trong đó, Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng vì 2 thị trường này vừa nhập khẩu để tiêu dùng nội địa, vừa tái xuất sang các thị trường khác trong khối. Trong năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung ngành điều. Đặc biệt, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Đức năm 2021 đạt trên 19.000 tấn, trị giá vượt 122 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 6,2% về trị giá.

Tại thị trường EU, bên cạnh thị trường Đức và Hà Lan, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường khác như Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan… cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng, trong đó, riêng thị trường Phần Lan, chỉ 11 tháng năm 2021 đã đạt trên 63.000 tấn, trị giá hơn 345 triệu USD, tăng 12,3% về lượng.

Với những kết quả nêu trên, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam  kỳ vọng sẽ đạt mốc 900 triệu USD trong năm 2022.

Khai thác lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)

Theo dự kiến của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều sang EU năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 15% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2021, đạt trên 155.000 tấn, trị giá 900 triệu USD.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ khá quan trọng năm 2022 nhờ lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đức là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất tại EU, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này.

Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Đức sẽ tăng trưởng bình quân 4,1% trong giai đoạn 2020-2025 và Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo. 

Sở dĩ Bộ Công Thương kỳ vọng vào mức tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang thị trường EU là vì ngoài Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất thị trường này, EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam và giảm từ một số nước khác, trong đó mức giảm nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ trong năm 2021 là 34,7% về lượng và giảm 40,2% về trị giá.

Vì sao Việt Nam tăng nhập khẩu hạt điều từ Campuchia?

Theo ông Đặng Hoàng Giang –Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hạt điều là 3,8 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với 2021, đây cũng là cơ sở để tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này trong năm 2022, dù rất nhiều áp lực.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, thông tin, tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước đạt 302.500ha, tăng 5.300ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này không đủ để phục vụ chế biến, xuất khẩu nên hàng năm các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô làm nguyên liệu chế biến. Điều đáng nói là, nếu như nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu điều chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi thì nay dịch chuyển nhập về từ Campuchia.

Ở góc nhìn thương mại, bà Bùi Kim Thùy - đại diện cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu điều là hoàn toàn bình thường bởi trong khi nhu cầu thế giới về sản phẩm điều rất lớn, cung trong nước không đủ thì việc nhập khẩu hạt điều để sản xuất, chế biến và phục vụ xuất khẩu là điều nên làm.

Theo Báo Lao Động



Báo cáo phân tích thị trường