Chiều nay 14/9, giá tiêu xô tại thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu thiết lập kỷ lục mới 145.000 đồng/kg, trong khi tại thị trường các tỉnh khác khác thấp hơn bình quân 5.000 đồng/kg.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá tiêu xô nội địa đã tăng 18,03 %. Mức tăng mạnh đến mức đã biến một số nông dân trồng tiêu trở thành nhà đầu cơ nông sản.
Phiên giao dịch hôm qua, giá tiêu thế giới trên thị trường kỳ hạn Kochi-Ấn Độ tăng trưởng ngược chiều. Kỳ hạn gần tháng 9 giảm 51 Rupi trong khi kỳ hạn xa tháng 10 và 11 tăng 69 Rupi và 25 Rupi. Chốt phiên, giá tiêu lần lượt đứng ở mức 33.657 Rupi/tạ, 34.570 Rupi/tạ và 34.984 Rupi/tạ, tương đương 7.323 USD/tấn, 7.522 USD/tấn và 7.612 USD/tấn cho các kỳ hạn tháng 9, 10 và 11.
Diễn biến thị trường hạt tiêu kỳ hạn thế giới qua những phiên gần đây cho thấy đây chỉ là phiên mang tính chất điều chỉnh. Đồng thời dự báo giá tiêu kỳ hạn vẫn đang ở trong xu thế tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng khó đoán định trong ngắn hạn nhưng càng về cuối năm càng tăng cao.
Mặc dù trong tháng 7, 8 có nhiều bài viết dự báo giá tiêu sẽ giảm trong tháng ăn chay của Hồi giáo dựa theo diễn biến thị trường xưa nay. Nhưng vì dự trữ của thế giới ngày càng thấp, nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều trong khi các nước sản xuất hạt tiêu chủ chốt vừa có thêm một vụ mùa thất bát nên giá hạt tiêu thế giới tiếp tục tăng cao là điều tất yếu.
Kể từ khi Việt Nam thay Ấn Độ để giữ vị trí xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới thì sau tháng ăn chay của Hồi giáo lại là chu kỳ giá hạt tiêu thế giới tăng cao. Căn cứ vào diễn biến mùa màng của năm nay có thể khẳng định chu kỳ giá tăng có thể kéo dài cho đến tháng 4, 5 năm sau khi Việt Nam bước vào thu hoạch vụ mới.
Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên mức mới, tiêu đen loại 500Gr/l có giá 7.000 USD/tấn và loại 550 Gr/l giá 7.400 USD/tấn, tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ giá 9.500 USD/tấn và loại DW 630 Gr/l giá 9.800 USD/tấn, tăng 100-150 USD/tấn.
Theo Cafef