Giá hạt tiêu trong nước và thế giới tăng liên tục trong hơn một tháng qua vì nhu cầu mạnh của các nhà nhập khẩu.
Giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu sáng 3/9 đã lên 140.000 đồng/kg, mốc kỷ lục mới tính từ năm 1996.
Nhiều nhà vườn và thương lái khẳng định, vụ mùa hạt tiêu vừa qua của Việt Nam không như kỳ vọng, có một số vùng trồng hồ tiêu trọng điểm bị thất thu vì sâu bệnh dịch hại.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Ấn Độ loại MG1 đã chào bán giá 7.500 USD/tấn cho thị trường EU và 7.600 USD/tấn cho thị trường Mỹ (C&F). Tiêu đen Indonesia loại BG1 chào ở mức 7.600 USD/tấn ; tiêu đen Brazil loại Bra1 ở mức 7.200 USD/tấn ; tiêu đen Việt Nam loại 550 Gr/l-FAQ chào bán giá 7.200 USD/tấn và loại 550 Gr/l-Asta chào bán giá 7.700 USD/tấn (FOB).
Các nhà phân tích kỹ thuật trên sàn giao dịch nhận định, giá hạt tiêu trên sàn kỳ hạn NCDEX ở Ấn Độ có thể còn tăng thêm 2.000-3.000 Rupi so với mức giá hiện nay. Giá tăng bởi nhu cầu tiêu thụ mạnh tại các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Hàng năm vào ngày lễ Ramadan giá thường yếu vì thiếu sức mua của các Công ty nhập khẩu nhưng năm nay hoàn toàn khác.
Được biết giá hạt tiêu thế giới thường tăng trong một năm theo hai chu kỳ. Chu kỳ tăng thứ nhất là sau khi Việt Nam và Ấn Độ thu hái xong vào tháng 3 đến tháng 5, và chu kỳ thứ hai là vào tháng 9 hoặc tháng 10 sau ngày lễ ăn chay của người Hồi giáo.
Năm nay, sự tăng giá hạt tiêu trên thế giới chủ yếu do nguồn cung eo hẹp từ 2 nước sản xuất và xuất khẩu chính Việt Nam và Ấn Độ, khi kế hoạch xuất khẩu sẽ giảm hơn 10% so với năm trước. Thêm vào đó Brazil và Indonesia sản lượng đều giảm, lượng tồn kho gối đầu của năm trước để lại rất ít.
Sự biến động tăng nhanh của thị trường nội địa trong tháng 8 vừa qua được ghi nhận qua hiện tượng lần đầu tiên ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tranh mua không chỉ xảy ra giữa những thương lái cung cấp hàng cho các công ty mà của cả thương lái với một số nông dân ở địa phương trồng tiêu.
Do kinh tế phát triển, một số nông dân đã có của ăn của để. Họ đã bán hết tiêu từ khi giá nằm ở khu 115.000 đồng/kg. Đến khi giá lên 130.000 đồng/kg và qua nghe ngóng thông tin, dư luận về tình hình cung cầu hạt tiêu thế giới, họ quyết định mua vào, tạo nên cơn sốt mới cho thị trường hạt tiêu khắp nơi.
Vì thế, bên ngoài giá xuất khẩu tăng, bên trong chính thương lái và người dân địa phương trồng tiêu đẩy giá làm cho giá hạt tiêu tăng vọt, “đua với giá vàng” như nhiều bài báo đã nói.
Đến hôm nay 3/9, tình hình tranh mua phần nào đã lắng dịu. Có vẻ như số hàng tồn trong nhà vườn đã cạn kiệt, tuy rằng theo lời họ giá tiêu sẽ còn lên nữa. Khi hỏi vì sao không tiếp tục giữ hàng khi tin rằng giá còn lên, hầu như dân trồng tiêu nào cũng tỏ ra thỏa mãn, ngay cả với những người mới mua vào, khi chờ được mức giá 140.000 đồng/kg.
Có nhiều thông tin cho rằng thương nhân của Indonesia và Brazil sẽ quay trở lại thị trường sau ngày nghỉ lễ để bán hàng ra với số lượng lớn. Điều này sẽ đẩy giá trên thị trường đi xuống. Trong khi đó một số khách châu Âu muốn mua bù thiếu lượng hàng đã bán ra. Đây là yếu tố then chốt để một số nhà đầu cơ hạt tiêu nhỏ lẻ trong nước kỳ vọng ở mức giá 150.000 đồng/kg mới chịu buông.
Theo Cafef