Chốt phiên giao dịch ngày 9/9 tại Kochi-Ấn Độ, giá hạt tiêu thế giới tăng thêm 251 Rupi, 278 Rupi và 164 Rupi, lên mốc 33.264 Rupi/tạ, 33.860 Rupi/tạ và 34.243 Rupi/tạ, tương đương 7.238 USD/tấn, 7.367 USD/tấn và 7.450 USD/tấn cho các kỳ hạn tháng 9, 10 và 11/2011.
Trưa nay 10/9, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã được thương lái mua đón giá 142.000 đồng/kg - mốc kỷ lục mới.
Trong vòng 15 ngày qua, nếu giá tiêu kỳ hạn dao động không đáng kể thì giá tiêu trong nước lại tăng thêm 5,97 %. Điều này cho thấy nhu cầu mua của các nhà xuất khẩu nước ta vẫn khá mạnh, góp phần hỗ trợ cho giá nội địa tăng trưởng đáng kể cũng như làm hạn chế sụt giảm giá hạt tiêu thế giới.
Theo nhiều nhà quan sát thị trường, nhu cầu mua của khách hàng Trung Quốc gần đây có chiều hướng tăng mạnh. Tuy nhiên số lượng hạt tiêu của khách mua này cũng khó thống kê vì chủ yếu sau khi thâm nhập thị trường nội địa để gom, hàng được khách đưa lên biên giới phía bắc để xuất theo đường biên mậu.
Với Hiệp định Tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), hàng hóa của nước ta, nhất là các loại hàng hóa nông sản, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng không yêu cầu khắt khe và khuyến khích nông dân gia tăng sản xuất.
Nếu kể cả con số xuất khẩu chính thức được ngành Hải Quan công bố cộng với của khách hàng Trung Quốc kể từ đầu vụ thì số lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm nay tăng lên đáng kể. Và cũng đủ để khẳng định số hàng tồn trong dân và trong kho của các nhà xuất khẩu còn không nhiều nữa, giúp cho xu hướng giá tiêu thế giới càng về cuối năm càng tăng cao.
Giá tiêu đen Ấn Độ loại đặc chủng MG1 đang được xuất cho thị trường quốc tế với giá 7.600-7.700 USD/tấn (C&F) trong khi tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ có giá 6.800 USD/tấn và loại 500 Gr/l-Asta có giá 7.200 USD/tấn, (FOB), giá vẫn được duy trì ở mức cao so với các nước sản xuất khác.
Theo Cafef