Sáng nay thứ Tư 12/10, giá hạt tiêu xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã lên 158.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục cho giá hạt tiêu xô Việt Nam, do thương lái tranh mua đẩy giá.
Mức cao này, theo một số công ty đặt hàng, khiến cho các đại lý và thương lái cũng không chắc gom được hàng như mong muốn. Bởi lẽ, giá cao khiến cho nhà vườn và các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, còn cầm số lượng hàng ước chừng khoảng 10.000 tấn, cũng khó buông vì vẫn kỳ vọng giá còn cao thêm khi hàng ngày càng khan hiếm.
Các nhà vườn chuyên sản xuất tiêu trắng tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn cho biết, đã lâu họ không sản xuất tiêu trắng nữa vì cần phải có nguồn tiêu đen xô chất lượng cao. Trong khi ngay cả tiêu đen xô chất lượng thấp cũng trở nên khan hiếm và giá tiêu trắng đã vượt qua 200.000 đồng/kg mấy tháng nay rồi.
Kết thúc phiên tối qua, giá tiêu kỳ hạn tại Kochi-Ân Độ có 4 phiên tăng trưởng liên tục, tổng cộng tăng 850 Rupi lên 36.690 Rupi/tạ cho hàng giao tháng 10. Tương tự, hàng giao tháng 11 tăng 985 Rupi lên 37.540 Rupi/tạ, tháng 12 tăng 1.250 Rupi lên 38.120 Rupi/tạ. Đây cũng là mốc cao kỷ lục của giá hạt tiêu thế giới.
Tuy mức giá giao dịch đã lập nhiều kỷ lục mới nhưng lượng hàng thực về sàn chỉ nhỏ giọt. Các nhà xuất khẩu cũng chỉ còn nhắm vào nguồn tại kho dự trữ của sàn là chính để thâu tóm trước khi hàng cạn kiệt.
Giá hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ loại đặc chủng MG1 xuất đi thị trường Châu Âu có giá 8.100 USD/tấn và thị trường Mỹ giá 8.300 USD/tấn (C&F), tăng 200 USD so với tuần trước.
Hạt tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam được chào cho loại 500 Gr/l-FAQ giá 7.800 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ giá 8.250 USD/tấn, giảm nhẹ 100 USD so với tuần trước. Tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ giá 11.250 USD/tấn, loại DW 630 Gr/l giá 11.550 USD/tấn, tăng 250-300 USD.
Trong khi các loại tiêu đen xuất khẩu có chất lượng cao hơn như 570 Gr/l=FAQ, 550 Gr/l-Asta, 580 Gr/l-Asta… và tiêu trắng loại 650 Gr/l-FAQ hay loại DW 650 Gr/l chất lượng cao hơn cũng không thấy chào bán.
Trái lại giá tiêu xuất khẩu của các nước khác lại giảm do có vấn đề về chất lượng. Tiêu của Brazil có mức giảm bình quân 200-300 USD/tấn cho mỗi loại. Tương tự, tiêu Indonesia cũng giảm bình quân 200 USD/tấn và tiêu Sri Lanka giảm nhẹ hơn, khoảng 100-150 USD/tấn.
Nhiều nhà xuất khẩu cho biết, do giá tiêu thế giới đang ở mức cao nên hàng ở khu giá rẻ có số lượng tiêu thụ tăng nhanh còn hàng khu giá cao rất khó bán nên cũng ít thấy đưa ra chào. Tuy nhiên họ cũng cho rằng, nguồn hàng đã trở nên khan hiếm, chỉ khi Ấn Độ và Việt Nam vào vụ thu hoạch mới may ra giá cả sẽ được cải thiện.
Nhiều thương nhân cũng cho rằng vụ tiêu vừa qua Ấn Độ chỉ thu được tối đa 45.000 tấn, không được như nhiều nhà dự báo khoảng 48.000 tấn. Con số tiêu thụ nội địa của nước này cũng rất khó dự đoán.
Số lượng hợp đồng đặt hàng từ các nhà nhập khẩu đã giảm do nguồn cung bị thắt chặt khi Việt Nam và Ấn Độ đã vào cuối vụ và nhà xuất khẩu khó tìm được hàng khi giá cao ngất ngưỡng như hiện nay.
Do giá cao, nông dân Việt Nam đã gia tăng diện tích trồng tiêu một cách khó kiểm soát. Chỉ riêng khu vực Tây nguyên trong mùa mưa năm nay đã có thêm vài ngàn ha được xuống giống trồng mới.
Theo Cafef