Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh trong tháng 4
11 | 09 | 2007
Chỉ số giá hạt tiêu đen và trắng của Cộng đồng Hạt tiêu Quốc tế (IPC) đã tăng mạnh trong tháng 4/2007, trong đó chỉ số giá hạt tiêu đen tăng gần 50 điểm lên 219,87, còn hạt tiêu trắng tăng trên 23 điểm lên 188,32.
Những yếu tố tác động tới xu hướng giá tăng là đánh giá sản lượng hạt tiêu Việt Nam sẽ giảm 10% trong niên vụ này, và sản lượng của Indonexia cũng xuống dưới mức trung bình, sau khi sản lượng của hầu hết các nước sản xuất năm qua đều giảm, kể cả Ấn Độ.
Hạt tiêu đen:
Theo IPC, thị trường hạt tiêu Ấn Độ tháng 4/2007 sôi động, giá giảm nhẹ trong tuần thứ 3 của tháng, song tăng trở lại vào cuối tháng. Nhu cầu mạnh trên thị trường nội địa giữ giá vững ở mức cao. Trong tháng, thị trường kỳ hạn liên tục tăng giá. Giá hạt tiêu Malabar chưa chọn đã tăng tới 14.400 Rupi/100 kg, so với 12.900 Rupi một tháng trước đó, trong khi hạt tiêu MG1 giao ngay giá tăng từ 13.625 Rupi/100 kg lên 15.195 Rupi. Tính trung bình, giá hạt tiêu giao ngay đã tăng khoảng 26-28%.
Xu hướng giá tăng vẫn đang tiếp diễn bởi thiếu cung. Thị trường hạt tiêu thế giới đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường hạt tiêu Việt Nam, nơi nguồn cung hạn hẹp đẩy giá tăng lên. Tình trạng này dự báo sẽ còn tiếp tục, nếu không có tình trạng bán ra ồ ạt ở Việt Nam.
Tình trạng giá tăng bắt đầu từ đầu tháng 4. Tuy nhiên, ở tuần thứ 4 của tháng, Việt Nam xuất một phần hạt tiêu vụ mới ra, giá giảm xuống. Đến cuối tháng, giá hạt tiêu trên thị trường Việt Nam đã tăng trở laị, đạt mức cao mới, 53.000 đồng/kg, tăng 12% so với một tháng trước đó. Trong khi ấy, dự báo sản lượng Việt Nam vụ này giảm tới 10% do hạn hán kéo dài kèm với sâu bệnh. Giá hạt tiêu đen, FOB (550g/l) cuối tháng 4 đạt 3.600 USD/tấn, tăng 20% so với tháng 3.
Tại Lampung, thị trường yên tĩnh vì không còn hàng dự trữ. Kết quả là giá ở Lampung đã tăng mạnh, từ 22.000 Rupiah/kg hồi đầu tháng lên 30.000 Rupiah vào cuối tháng. Hạt tiêu vụ này của Indonexia sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 7- tháng 8. Sản lượng có thể cao hơn năm ngoái, song vẫn thấp hơn so với mức trung bình của khu vực.
Tại Sri Lanka, mặc dù tăng so với năm ngoái, sản lượng cũng thấp hơn so với mức trung bình của khu vực. Giá hạt tiêu tại Sri Lanka đã tăng từ 258 SLR/kg hồi đầu tháng lên 316 SLR/kg vào cuối tháng.
Tại Braxin, giá hạt tiêu đen, FOB, tăng tới 45%, lên 3.850 USD/tấn.
Hạt tiêu trắng:
Khan hiếm nguồn dự trữ ở Bangka và Sarawak trong khi thu hoạch chậm ở Viẹt nam cũng gây tăng giá trên thị trường hạt tiêu trắng.
Tại Pangkal Pinang, Bangka, giá hạt tiêu trắng Muntok vào khoảng 37.500 Rupiah/kg, tăng trên 20% so với một tháng trước đó. Vụ sắp tới của Indonexia, sẽ thu hoạch vào tháng 7-tháng 8, dự báo giảm hơn so với bình thường. Tại Kuching, giá tiếp tục tăng. Trong tháng 4, giá hạt tiêu trắng trên thị trường nội địa tăng từ 12.000 ringgit/tấn lên 13.200 ringgit/tấn, trong khi giá FOB đã tăng tới 4.800 USD/tấn, cao hơn 7% so với một tháng trước đó.
Tại Việt Nam, giá hạt tiêu trắng trung bình đạt 71.750 đồng/kg (630g/l), giá FOB đạt 4.500 USD/tấn, tăng so với 58.650 đồng/kg và 3.678 USD/tấn hồi tháng 3.
Tại Hải Nam, Trung Quốc, giá hạt tiêu trắng đã tăng khoảng 16%.


(Business Line)
Báo cáo phân tích thị trường