Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ Việt Nam còn hàng, giá hạt tiêu tăng dựng đứng
19 | 09 | 2011
Sáng nay 19/9, giá hạt tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã vững ở 150.000 đồng/kg, thiết lập mốc kỷ lục mới cho giá tiêu đen xô Việt Nam.

Hai phiên cuối tuần trước, giá hạt tiêu kỳ hạn thế giới tăng cực mạnh, tổng cộng 763 Rupi, 806 Rupi và 1.038 Rupi, tức tăng 167 USD, 176 USD và 225 USD lên mức 35.630 Rupi/tạ, 36.205 Rupi/tạ và 36.645 Rupi/tạ, tương đương 7.752 USD/tấn, 7.878 USD/tấn và 7.973 USD/tấn cho các kỳ hạn giao tháng 10, 11 và 12.

Tuy xu hướng giá tăng về những tháng cuối năm đã được khẳng định qua những dự báo về sản lượng hạt tiêu thế giới thiếu hụt trầm trọng trong năm nay nhưng mức tăng rất mạnh và liên tục kể từ đầu tháng 8 đến nay có thể khẳng định là quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng không chỉ trong giới kinh doanh, các nhà đầu cơ mà cả trong giới phân tích, dự báo thị trường.

Theo thống kê của ngành Hải Quan, nước ta tháng 8 xuất khẩu 16.988 tấn tiêu các loại, đạt giá trị kim ngạch 106, 25 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu 99.787 tấn tiêu các loại, đạt tổng giá trị kim ngạch 560,25 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng tới 83,7 % về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, giá bình quân xuất khẩu tiêu trắng là 7.540 USD/tấn và tiêu đen là 5.235 USD/tấn. So với mặt bằng giá thế giới thì giá xuất khẩu tiêu các loại của Việt Nam thuộc vào loại thấp vì chủ yếu là xuất thô hoặc chỉ mới sơ chế.

Do thế giới chỉ còn trông đợi nguồn cung từ Việt Nam nên các doanh nghiệp xuất khẩu đã nắm bắt cơ hội giá cao để cung hàng ra hợp lý. Người trồng tiêu nước ta cũng biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để cầm hàng đợi giá, góp phần điều tiết thị trường.


Ghi nhận đi trước trong đợt tăng giá này là thị trường Chư Sê, Gia Lai. Vào ngày 24/8, giá tiêu xô tại Chư Sê đã đạt đỉnh 140.000 đồng/kg trong khi các thị trường khác đang ở mức 130.000 đồng/kg. Nhưng chỉ hơn 1 tuần sau, Giá tiêu xô tại Lộc Ninh, Bình Phước vọt lên mức 148.000 đồng/kg trong khi tại Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, vựa tiêu lớn nhất nước ta, đang ở 140.000 đồng/kg.

Diễn biến giá tiêu nội địa cho biết, bên cạnh nhu cầu mua mạnh của các nhà xuất khẩu trước khi đến mùa thu hoạch mới đã kích giá thị trường còn có hiện tượng đẩy giá tranh của các thương lái để đáp ứng đơn hàng của các công ty và sự tranh mua của các thương nhân Trung Quốc để đưa hàng ra biên giới phía bắc.

Có thể khẳng định đợt tăng giá này đã vét cạn kiệt lượng hàng tồn đọng trong nông dân trồng tiêu. Xuất khẩu từ đây đến cuối vụ phụ thuộc vào năng lực dự trữ hàng của các nhà kinh doanh xuất khẩu. Cũng không loại trừ một số lượng đáng kể do các nhà đầu cơ nông sản vẫn còn nắm giữ.

Thống kê của Hải Quan cho thấy lượng hàng xuất tháng 8 vượt qua dự báo của ngành Nông nghiệp gần 2.000 tấn, không chỉ góp phần khẳng định mà còn nâng cao vị trí số 1 của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hạt tiêu thế giới trong nhiều năm sắp tới.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường