Giá hạt tiêu Asta hiện đang được chào bán ở mức giá trên 8.000 USD/tấn từ tất cả các nhà chào bán, trừ Brazil hiện đang chào giá ở mức khoảng 7.500 – 7.700 USD/tấn (FOB). Các nhà cung cấp Indonesia và Việt Nam đang chào giá hạt tiêu ở mức lần lượt 8.200 USD/tấn và 8.300 USD/tấn. Tương đương giá hạt tiêu Ấn Độ trên thị trường quốc tế hiện ở mức 8.000 – 8.100 USD/tấn (c&f). Giá hạt tiêu trắng chào bán từ Ấn Độ và Việt Nam đang lần lượt được chào bán ở mức giá 11.650 USD/tấn và 10.675 – 10.700 USD/tấn.
Hiện không có tín hiệu cho thấy giá hạt tiêu sẽ giảm trong thời gian tới. Những người mua bắt đầu thu mua các loại hạt tiêu chất lwowngjt hấp hơn. Một số thương nhân từ Dubai đang ráo riết thu mua. Do đó, nhu cầu các loại hạt tiêu chất lượng thấp hơn cũng đang bắt đầu tăng, đồng thời đẩy giá các loại hạt tiêu này tăng. Nguồn hạt tiêu chất lượng thấp hơn từ Việt Nam cũng đang cạn kiệt dần.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, nhu cầu hạt tiêu cho mùa lễ hội/nghỉ lễ đông đang tăng lên. Tuy vậy, do giá hạt tiêu cao nên những người mua chỉ đặt mua lượng vừa đủ. Những người trồng hạt tiêu và thương lái tại Kerala đang hưởng lợi nhờ giá hạt tiêu cao và tiếp tục găm hàng, chỉ chào bán khối lượng thấp trong các phiên giao dịch hàng ngày. Các nhà xuất khẩu, chế biến và các nhà đầu tư đều đang phải chấp nhận mức giá chào này. Nếu khuynh hướng tăng giá hiện tại tiếp tục thì nhiều khả năng lượng dự trữ hạt tiêu cuối kỳ sẽ không còn. Ngoài ra, tình hình thời tiết bất lợi trong suốt những tuần qua đang gây ảnh hưởng xấu đến vụ hạt tiêu tại Ấn Độ.
Tình hình này có thể khiến thiếu hụt nguồn cung hạt tiêu trong những tuần sắp tới và thiếu nguồn hạt tiêu để giao vào đầu năm tới. Tính đến kịch bản này, áp lực tăng giá sẽ tiếp tục mạnh lên và nhiều nhà giao dịch dự đoán giá hạt tiêu giao ngay có thể chạm mức 400 Rs/kg hoặc hơn.
Trên thị trường Ấn Độ, giá hạt tiêu tiếp tục tăng mạnh trong tuần giao dịch trước. Giá hạt tiêu giao tháng 9, 10, 11 tăng lần lượt 1.553 Rs, 1.904 Rs và 1.959 Rs, lên mức 34.680 Rs/quintal, 35.630 Rs/quintal và 36.205 Rs/quintal. Tổng lượng giao dịch tăng 23.432 tấn, lên mức 48.342 tấn.
Giá hạt tiêu giao ngay tăng 1.800 Rs do nhu cầu cao, lên mức lần lượt 32.000 Rs/quintal cho hạt tiêu chưa loại và 33.500 Rs/quintal cho hạt tiêu loại 1.
Khuynh hướng giá trên thị trường quốc tế
Theo IPC, giá hạt tiêu đen sẽ tiếp tục tăng do các nhà cung cấp đều chỉ còn một lượng dự trữ hạn chế. Nguồn cung hạn hẹp sẽ càng trầm trọng khi mùa thu hoạch tại Indonesia kết thúc. Do đó, giá tăng là điều không thể tránh khỏi.
Tại Lampung, giá hạt tiêu nội địa đã tăng từ 56.000 IDR/kg lên mức 59.000 IDR/kg trong tuần qua. Tại Sarawak, Malaysia, giá hạt tiêu chưa chế biến tăng 250 MYR/tấn, lên mức 14.750 MYR/tấn trong tuần qua. Tuy nhiên, giá tính bằng USD lại giảm 1% do đồng MYR giảm giá so với đồng USD. Một số nhà xuất khẩu nước này đã phải trả cho nông dân với giá cao hơn giá xuất khẩu công bố bởi Hội đồng hạt tiêu Malaysia. Giá hạt tiêu đen FOB chào bán từ Sarawak đã tăng 5%.
Tại Việt Nam, giá hạt tiêu nội địa tăng 4.000 VND/kg, lên mức 141.000 VND/kg trong tuần qua. Tuy nhiên, giá FOB chào bán vẫn ổn định.
Thị trường hạt tiêu trắng
Thị trường hạt tiêu trắng tiếp tục duy trì khuynh hướng tăng giá vững. Tại Bangka, giá tăng mạnh 7.000 IDR/kg, từ mức 75.000 IDR/kg lên mức 82.000 IDR/kg. Giá hạt tiêu trắng tại Hải Nam cũng tăng 3%.
Tại Sarawak, giá hạt tiêu trắng tính bằng đồng bản địa cũng tăng lên nhưng giá tính bằng USD lại giảm 1%. Giá hạt tiêu trắng chào bán từ Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định ở mức cao.
Kim Dung AGROINFO
Theo The Hindu Business Line