Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, số lượng hạt tiêu xuất khẩu càng về những tháng cuối năm càng giảm. Nếu 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 9.000 tấn hạt tiêu thì từ quý III trở lại đây, mỗi tháng chỉ xuất khẩu được khoảng gần 6.000 tấn. Sự sụt giảm số lượng xuất khẩu này không phải bắt nguồn từ nhu cầu nhập khẩu trên thế giới ít đi mà xuất phát chính từ sản lượng hạt tiêu của Việt Nam đã thu hẹp đáng kể. Theo VPA thì do thời tiết thất thường, sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam bị ảnh hưởng, dự kiến chỉ đạt khoảng 80.000-90.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 116.000 tấn xuất khẩu vào năm 2006.
Về việc giá trị hạt tiêu xuất khẩu có mức tăng trưởng tới 37%, trong khi số lượng chỉ đạt 66,8% so với cùng kỳ và trên 50% so với kế hoạch năm, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết do tác động từ thâm hụt nguồn cung, giá hạt tiêu trên thế giới tăng nhiều, nên xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam mới có mức tăng trưởng lớn về giá trị. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế, năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, khẳng định vị trí số 1 trên thị trường thế giới , chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Việt Nam đã được đánh giá là một trong những nhà cung ứng hạt tiêu lý tưởng nhất với giá cả và chất lượng cạnh tranh. Nhiều chuyên gia nước ngoài còn cho rằng, hạt tiêu Việt Nam được đánh giá đóng vai trò quyết định thế giới. Tại một số thị trường lớn như: Mỹ, EU, hạt tiêu Việt Nam còn chiếm vai trò chi phối quan trọng.
Hiện giá hạt tiêu trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao, từ 3.500 đến 3.600 USD/tấn và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do vậy theo Bộ Công Thương các doanh nghiệp đặc biệt chú ý các đơn hàng xuất khẩu trong khi trữ lượng hạt tiêu của Việt Nam năm nay không nhiều. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nên ổn định diện tích trồng tiêu, đặc biệt chú ý đến vấn đề đẩy mạnh năng suất và chất lượng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của mặt hàng đang có nhiều lợi thế về xuất khẩu.