Hơn thế nữa, hồ tiêu Việt Nam còn là một thị trường đầy tiềm năng và triển vọng, do vị trí địa lý và khí hậu nên nước ta có điều kiện thuận lợi cho việc trồng, chế biến và xuất khẩu hạt tiêu. Đến nay Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới, với kim ngạch ổn định và đóng góp tích cực vào kết quả xuất khẩu của cả nước.
Hạt tiêu của nước ta được trồng tại nhiều địa phương từ Quảng Trị đến Kiên Giang nhưng có 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắc Lắc, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đắc Nông. Các tỉnh nói trên duy trì thường xuyên một sản lượng hạt tiêu lớn và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới tính từ năm 2001 đến nay, với lượng xuất khẩu bình quân 70.600 tấn/năm vào 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2008, cả nước xuất khẩu gần 90 ngàn tấn, đạt kim ngạch gần 310 triệu USD (cao nhất từ trước tới nay). Trong bối cảnh khó khăn về tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tháng 1/2009, hạt tiêu Việt Nam vẫn xuất khẩu 5,5 nghìn tấn với kim ngạch 14,6 triệu USD, tuy giảm 9,46% về lượng và 30,34% về trị giá so với tháng 1/2009 song vẫn tăng 27,39% về lượng và 37,62% về trị giá so với tháng 1/2007. Còn theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 2, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đạt khoảng 9,8 nghìn tấn các loại, trong đó tiêu đen đạt 8,2 nghìn tấn, tiêu trắng đạt 1,6 nghìn tấn. Tổng kim ngạch đạt 24,65 triệu USD, tiêu đen đạt 18,9 triệu USD, tiêu trắng 5,75 triệu USD. So với tháng 1/2009, lượng xuất khẩu tăng 4,3 nghìn tấn tương đương với 77,6%, kim ngạch tăng 10 triệu USD tương đương với 68,9%. So với cùng kỳ tháng 2/2008, lượng xuất khẩu tăng tới 194% tương đương với 6,5 nghìn tấn, kim ngạch tăng 119% tương đương với 12,7 triệu USD. Luỹ tiến từ 1/1-28/2/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 15,3 nghìn tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 13,3 nghìn tấn, tiêu trắng đạt hơn 2 nghìn tấn. So với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2008, lượng xuất khẩu tăng 62% tương đương với 5,6 nghìn tấn, trị giá kim ngạch cũng tăng 19% tương đương với 6,2 triệu USD.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hồ tiêu trong quý I/2009 của Việt Nam có thể đạt mức 20 nghìn tấn. Hiện nay, nông dân trồng tiêu khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã thu hoạch được 50% sản lượng trong vụ này nên nguồn cung khá dồi dào.
Về giá xuất khẩu: Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đang chiếm 40% sản lượng thế giới và chiếm 50% thị phần thương mại thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa điều tiết được giá hồ tiêu thế giới do các sàn giao dịch hồ tiêu ở Ấn Độ và ở Anh vẫn thu hút nhiều hợp đồng mua bán. Hiện VPA đang đẩy nhanh việc xây dựng sàn giao dịch hồ tiêu xuất khẩu, nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp giảm thua thiệt khi lệ thuộc vào giá xuất khẩu tại các sàn giao dịch của Ấn Độ và Anh. Dự kiến nguồn tiêu thụ hồ tiêu năm nay của nước ta vẫn cao và đang có nhiều lợi thế vì chiếm đến 40% nhu cầu thị trường. VPA khuyến cáo các hộ trồng tiêu nên bình tĩnh không nên bán sản phẩm khiến giá hồ tiêu tiếp tục trượt giá. Các doanh nghiệp trong nước cũng nên thực hiện các hợp đồng ngắn hạn “mua ngay, bán ngay” để giảm thiểu rủi ro.
Giá xuất khẩu hồ tiêu vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, khi mà giá xuất khẩu tiêu đen trong tháng 2 chỉ trung bình ở mức 2.299 USD/T, giảm 180 USD/T, giá tiêu trắng còn giảm mạnh hơn, chỉ đạt 3.626 USD/T, giảm 828 USD/T so với giá tháng 1. So với cùng kỳ tháng 2/2008, giá tiêu đen giảm 1.175 USD/T, tiêu trắng giảm 1.813 USD/T. Giá thu mua nội địa đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, bằng với mức giá trước tháng 6/2007, thời kỳ giá xuất khẩu tiêu bắt đầu bùng nổ. Giá thu mua nội địa đầu tháng 2/2009 đứng ở mức 33.000-35.000 VND/kg và liên tục giảm cho đến cuối tháng, đứng ở mức 27.000-29.000 VND/kg.
Về thị trường xuất khẩu: Tháng 1/2009, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của nước ta sang thị trường Mỹ giữ vị trí số 1, với 759 tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tuy giảm 50,62% về lượng và 49,97% về trị giá so với tháng trước, song lại tăng 47,38% về lượng và 107,18% về trị giá so với tháng 1/2008, tăng 109,09% về lượng và 126,52% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007. Tiếp đến là thị trường Đức, với 449 tấn, kim ngạch 1,3 triệu USD, mặc dù tăng 39,01% về lượng và 16,79% về trị giá so với tháng 12/2008, nhưng vẫn giảm 4,87% về lượng và 36,28% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 50,88% về lượng và 40,99% về trị giá so với tháng 1/2007.
Nhìn chung, các thị trường còn lại đều có kim ngạch giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2008…