Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở Việt Nam
28 | 02 | 2022
Nhiều năm gần đây xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có bước phát triển vượt bậc, thu được nhiều ngoại tệ, giúp nhiều gia đình, địa phương vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, làm thế nào để những tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất gỗ được phát huy triệt để, vượt qua các rào cản, tạo ra các bước nhảy, đột phá và tăng tốc là câu hỏi không dễ trả lời trong thời gian ngắn. Vậy chiến lược ấy thế nào?

Nguồn: qdnd.vn

Những gam màu sáng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ  

Năm 2021, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) vẫn đạt 14,809 tỉ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (tăng 19,7% so với năm 2020). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của Việt Nam năm 2021 đạt 2,928 tỉ USD, tăng tới 14,5% so với năm 2020. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu tới 11,88 tỉ USD trong hoạt động xuất-nhập khẩu G&SPG trong năm 2021, cao hơn năm 2020 là 2,067 tỉ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, không chỉ năm 2021 mà trong rất nhiều năm qua, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đã tập trung vào một số thị trường truyền thống và luôn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu cao như Trung Quốc 23,7%; Hoa Kỳ 21,4%; EU 14,4%; Nhật Bản 6,7%; Hàn Quốc 5,7 %.

Trong những thị trường này thì thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là nơi nhập khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 2,29 tỉ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm 2020; chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành (tỉ lệ này của cùng kỳ năm 2020 đạt 50%). 3 thị trường đứng sau Hoa Kỳ thuộc về châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức tăng trưởng lần lượt: 8,22%; 9,71% và 8,98%. Ngoại trừ Hoa Kỳ với mức tăng trưởng cao và tỉ trọng lớn, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang trường Canada, Pháp, Australia và Hà Lan cũng tăng rất mạnh. Về trị giá xuất khẩu một số sản phẩm G&SPG tăng cao đáng chú ý, như: Dăm gỗ tăng 18,4%, viên nén gỗ tăng 17,4%. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu đạt 2,42 tỉ USD, tăng 1,1%; sản phẩm gỗ đạt 840,5 triệu USD, tăng 401,6%.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu G&SPG từ thị trường Trung Quốc, Brazil, Lào và Chile tăng rất mạnh. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung ứng G&SPG lớn nhất cho Việt Nam, đạt 1,036 tỉ USD, tăng 20,20% so với năm 2020; chiếm 35,39% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan, với mức tăng 6,6% và 7,13% so với năm 2020. Đặc biệt, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu G&SPG từ thị trường Brazil, Lào và Chile tăng rất mạnh, lần lượt tăng tới 87,40%; 85,29% và tăng 32,61% so với năm 2020. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu G&SPG từ thị trường Newzealand, Nga và Congo chỉ tăng rất nhẹ.

Giải pháp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở Việt Nam

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An kiểm tra các chi tiết khung giường gỗ. Ảnh: HỒNG NHUNG 

Đi sâu phân tích thành phần cung ứng xuất khẩu G&SPG năm 2021 của Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đạt 7,464 tỉ USD, tăng 22,24% so với năm 2020, tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành (tăng nhẹ so với tỉ trọng năm 2020 đạt 49,35%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt 1,195 tỉ USD, tăng 14,37% so với năm 2020; chiếm 40,82% tổng kim ngạch nhập khẩu G&SPG của cả nước, xấp xỉ tỉ trọng của năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI đạt 6,82 tỉ USD, tăng 20,48% so với năm 2020; chiếm 92,72% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của khối FDI và chiếm 55,14% tổng kim ngạch xuất khẩu SPG của toàn ngành. Như vậy, năm 2021, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 6,268 tỉ USD, tăng so với mức xuất siêu của năm 2020 là 5,06 tỉ USD. Điều đáng nói là, số doanh nghiệp FDI thấp hơn số doanh nghiệp xuất khẩu G&SPG trong nước rất nhiều. Điều này cho thấy, công nghệ và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất G&SPG có chất lượng tốt, tầm ảnh hưởng rộng hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Các nhóm giải pháp đột phá

Để có được những thành công cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể thấy một vài nguyên nhân nổi bật, đó là: Về tổng thể, việc mở cửa thị trường thương mại với các quốc gia thông qua một FTA đã giúp tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ lên đáng kể. Thực tế, việc tham gia các FTA đã giúp Việt Nam hoàn thiện các chính sách thông qua cắt giảm các thủ tục không cần thiết, từ đó đã thúc đẩy xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang thị trường FTA.

Tiếp đó, thuế nhập khẩu G&SPG của các nước trong FTA giảm vô tình đã kích cầu tiêu dùng ở đất nước sở tại, thúc đẩy nhập khẩu hàng đồ gỗ của Việt Nam. Hơn nữa, do Việt Nam đã bắt đầu chú trọng đến nâng cao năng lực cung ứng nguyên liệu nội địa nên nguồn cung sản xuất nguyên liệu gỗ trong nước tăng đã kéo theo thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường FTA. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề then chốt để thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất, xuất khẩu G&SPG  tương lai.

Theo các chuyên gia, muốn để sản xuất, xuất khẩu G&SPG hơn nữa thì các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, hạn chế xuất răm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là hướng mạnh sang gia công các sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, ngoài doanh nghiệp FDI, đa phần các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam chưa mạnh về gia công theo mẫu khách hàng cung cấp, do đó chưa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và vùng nguyên liệu phát triển, từ đó giá trị xuất khẩu không cao. Điều này tiếp tục khẳng định, phát triển vùng nguyên liệu gỗ là một trong những điểm lưu ý hàng đầu cho ngành đồ gỗ Việt Nam nếu muốn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường FTA khi các hiệp định này có hiệu lực.

Giải pháp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở Việt Nam
 Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: HỒNG NHUNG

Việt Nam là đất nước có thời tiết khí hậu nhiệt đới ẩm, phù hợp cho phát triển trồng rừng, gây dựng nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú. Hàng nghìn năm nay, sản xuất đồ gỗ thủ công truyền thống đã có sự phát triển. Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm nổi bật giúp cho sản xuất, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam tăng trưởng tốt những năm qua thì cũng thấy có những hạn chế cần phải khắc phục, trong đó đáng chú ý nhất là các khâu chuẩn bị nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, phương tiện sản xuất hiện đại, nguồn nguyên liệu và mẫu mã sản phẩm. Để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường FTA, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện một số chính sách mang tính cấp thiết.

Một là, ở nhóm giải pháp chuẩn bị nguồn nguyên liệu, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để các doanh nghiệp có thể nhận đất trồng rừng, phát triển nguồn nguyên liệu nhanh và bền vững hơn. Do trồng rừng nguyên liệu đòi hỏi rất nhiều thời gian nên cần phải có chiến lược khuyến khích đầu tư lâu dài. Giải pháp cụ thể trong lĩnh vực này là cần tính toán khoa học, đầy đủ để có dự báo nhu cầu gỗ nguyên liệu chi tiết, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu với các chủng loại khác nhau để có thể đáp ứng nhu cầu. Cần có những chính sách cụ thể trong quá trình trồng rừng, khai thác, hạn chế thấp nhất xuất khẩu gỗ thô. Bên cạnh đó, cần coi trọng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bởi đây là cấu thành quan trọng trong các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu gỗ, đáp ứng số lượng, chất lượng và thời gian với giá cả cạnh tranh. Trong đó, giải pháp quan trọng là xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ để các doanh nghiệp có thể tham khảo, chủ động hơn trong việc nhập khẩu và tránh dự trữ tồn kho nguyên liệu trong thời gian quá dài.

Hai là, ở phía nhóm giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, tuy tay nghề và trình độ thợ của người Việt Nam trong sản xuất đồ gỗ là cơ bản nhưng chưa tinh, còn nặng về các sản phẩm truyền thống và hạn chế về mẫu mã sản phẩm hiện đại, chưa phù hợp với văn hóa, cách sống, phương thức của nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng là chính chứ chưa sáng tạo ra mẫu mã mới để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước. Thế nên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao tay nghề thợ. Nhà nước cần nghiên cứu để hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề theo hướng đầu tư thêm máy móc công nghệ để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.   

Về nhóm đầu tư phương tiện, công nghệ. Thực tế cho thấy, sở dĩ tuy số lượng doanh nghiệp FDI sản xuất, xuất khẩu G&SPG ít hơn các doanh nghiệp trong nước nhiều lần nhưng giá trị xuất khẩu lại cao hơn là do họ có được công nghệ sản xuất tốt từ đó thu hút được khách hàng và có thị trường tiêu thụ. Đặc thù sản xuất G&SPG cũng đòi hỏi phải phát triển công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ, nhất là các nguyên liệu và phụ kiện bảo đảm như keo, sơn, da, nhựa... và phụ kiện từ các ngành công nghiệp cơ khí. Đặc biệt, ngành gỗ rất cần đến thiết kế đồ họa để cho ra những mẫu mới. Thế nên, do công nghiệp phụ trợ và nhân lực thiết kế đồ họa trong ngành gỗ còn hạn chế nên việc cho ra những sản phẩm mới có tính hữu dụng và thẩm mỹ để chào hàng các đối tác là rất hiếm mà thay vào đó là sản xuất theo đơn đặt hàng. Điều này chính là rào cản không nhỏ khiến cho việc thu ngoại tệ từ sản xuất, xuất khẩu G&SPG chưa có sự đột phá.

Giải pháp về nhóm cơ chế chính sách xuất khẩu cũng hết sức đáng lưu tâm. Theo đó, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách thuế, hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu như chính sách tín dụng, đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó cần nhất là tập trung nghiên cứu giảm chi phí và thời gian tham gia thị trường cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Về chính sách về xúc tiến thương mại, cần có những trung tâm hội chợ đồ gỗ với quy mô xứng tầm để hội tụ, thúc đẩy thương mại. Cần xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận được với công nghệ hiện đại; nghiên cứu, đánh giá xu hướng thị trường gỗ, tìm kiếm đối tác theo hướng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước. Nghĩa là, bên cạnh việc nghiên cứu mở rộng thị trường, cần duy trì và phát triển các thị trường truyền thống (cả thị trường trung chuyển và thị trường người tiêu dùng trực tiếp), thông qua đó, uy tín và chất lượng của sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng.

Về nhóm chính sách hoàn thiện thể chế xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời kiểm soát chặt chẽ từ khi dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thực hiện công bố, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính mới; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính. Cần coi trọng thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu thông qua hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử bắt nhịp với sự phát triển của thế giới và khu vực. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế và các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ nhằm kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Nhóm giải pháp tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện. Các cơ quan chức năng nhà nước cần tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O, hướng tới tận dụng ưu đãi FTA thế hệ mới, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Các doanh nghiệp cũng cần có phương án đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua tăng cường cơ chế cảnh báo sớm; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi động nhằm hạn chế tác hại ngay từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp.

Xuất khẩu G&SPG là một trong những hướng đi chiến lược để phát triển kinh tế đất nước, nhất là tạo việc làm, thu nhập cho vùng nông thôn, miền núi. Do đó, rất cần có sự nghiên cứu, đầu tư bài bản để phát triển toàn diện để có những sản phẩm hiện đại, đa dạng, hữu dụng, đáp ừng nhu cầu thị trường các nước. Nếu làm tốt hơn nữa và đầu tư có chiều sâu, chắc chắn trong tương lai, nguồn thu và tốc độ tăng trưởng của G&SPG sẽ không dừng lại ở việc xếp thứ 6 trong 8 mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường