Theo VNBusiness
Trong bối cảnh hiện nay, việc thiếu phân bón trên thị trường toàn cầu là không thể tránh khỏi. Không phải tất cả các quốc gia đều có thể mua lượng phân bón cần thiết cho vụ này, điều này có nghĩa là sản lượng thu hoạch nông sản toàn cầu cũng sẽ giảm.
Nguy cơ sụp đổ thị trường phân bón toàn cầu
Theo đài CNBC, Nga và Belarus trước đây cung cấp khoảng 40% lượng kali xuất khẩu của thế giới. Trong khi Nga và Ukraine cùng xuất khẩu 28% lượng phân bón làm từ nitơ và phốt pho, phân kali. Riêng Nga xuất khẩu 11% lượng urê thế giới, 48% lượng amoni nitrat.
Người nông dân trên toàn cầu đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá phân bón tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Nhưng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2 đã làm gián đoạn mọi hoạt động sản xuất của Ukraine, trong khi xuất khẩu của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Ngay lập tức, thị trường phân bón thế giới đã xác lập những kỷ lục mới. Theo Bloomberg, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 1/4 là 1.269,8 USD/tấn, giảm 0,6 USD/tấn. So với trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, giá mặt hàng này tăng hơn 40%.
Trong khi tại Anh, giá phân bón đang tăng lên mức 1.000 bảng Anh/tấn (khoảng 1.311 USD/tấn), tăng so với mức khoảng 650 bảng Anh/tấn. Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) cho biết, giá phân đạm đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021 đang tác động trực tiếp lên tình hình sản xuất nông nghiệp của nước này.
Cuối tháng 3 vừa qua, ngay sau khi các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây được ban bố, Bộ Công Thương Nga đã cảnh báo nguy cơ sụp đổ thị trường phân bón toàn cầu do nguồn cung hàng hóa của Nga ra nước ngoài gặp vấn đề. Do đó, khả năng mất mùa và hậu quả là tình trạng thiếu lương thực trên thế giới sẽ tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga -Denis Manturov nói rằng, Nga là một trong những nhà cung cấp phân khoáng hàng đầu thế giới. Do không có sự đảm bảo từ các nhà khai thác hậu cần nước ngoài đối với việc giao hàng ra nước ngoài, cơ quan này khuyến nghị các nhà sản xuất tạm dừng việc vận chuyển sản phẩm để xuất khẩu cho đến khi các hãng vận tải trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài Nga và Ukraine, quốc gia láng giềng Belarus hiện cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, trong khi nước này cũng là nhà xuất khẩu chính của một số hợp chất bón phân quan trọng, bao gồm urê và kali. Chính việc cắt giảm xuất khẩu các sản phẩm này cũng góp phần khiến giá phân bón tăng cao cùng với khí đốt tự nhiên, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón dựa trên nitơ.
Đến nay hầu hết các công ty vận tải biển quốc tế đều đã tạm dừng hoạt động ở Nga, càng khiến cho thương mại toàn cầu, trong đó có vận chuyển phân bón lâm vào bế tắc.
Phân bón sẽ còn tăng 20-40%, nông dân và các HTX phải làm gì?
Giới phân tích dự báo, trong ngắn hạn, xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục tác động mạnh tới giá phân bón trên thế giới, sẽ còn tiếp tục lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm qua. Dự báo, giá phân bón sẽ tăng 20 - 40% trong quý II/2022. Theo đó, giá Urea sẽ sớm lên mức 950 USD/tấn trong tháng 4/2022, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn và Urea sẽ lên 1.500 USD/ tấn nếu giá dầu chạm mốc 200 USD/thùng.
Tại Việt Nam, người nông dân và các HTX cũng đang "đau đầu" trước sự leo thang của giá phân bón. Ảnh Int
Tại thị trường Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam đạt 594.518 tấn, trị giá trên 285,77 triệu USD, giảm 3,2% về lượng nhưng tăng mạnh 79,2% về trị giá.
Giá nhập khẩu phân bón trung bình 2 tháng qua đạt 480,7 USD/tấn, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nhớ, cùng thời điểm này năm 2021, giá nhập khẩu phân bón được Tổng cục Hải quan công bố chỉ 259,7 triệu USD/tấn.
Giá phân bón toàn cầu tăng mạnh được dự báo sẽ có những tác động tới thị trường phân bón Việt Nam. Các DN nhập khẩu Việt Nam cho biết, hiện mới chỉ nhận được hàng thành công với 3 tàu chở phân bón trong thời gian từ tháng 2/2022 đến nay. Hiện còn khoảng 30.000 - 40.000 tấn phân bón mà các DN đã ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng đã bị đối tác hủy giao dịch. Trong khi đó, các nhà cung cấp phân bón ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4/2022.
Tranh thủ khi giá phân bón trên thị trường tăng cao, và nhu cầu trong nước ở thời điểm xuống thấp, một số doanh nghiệp trong nước tích cực xuất khẩu. Chẳng hạn, PVCFC đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón urê sang một số thị trường tiềm năng ở Châu Á, Châu Mỹ, vừa giúp thu lợi nhuận cao.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 3 tháng đầu năm 2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước…
Các chuyên gia kinh tế nói rằng, thời điểm này, nhà nước cần có những giải pháp kiềm chế xuất khẩu phân bón, nhằm bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp trong nước.
Vị chuyên gia dự báo, thời gian tới thị trường phân bón toàn cầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn vì cuộc xung đột Nga- Ukraine. Bởi vậy, bên cạnh cơ hội xuất khẩu, các nhà sản xuất vừa có trách nhiệm với nông dân, phát huy hết công suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và giảm giá thành. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế, bà con nông dân, các HTX cần tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm lượng phân bón mà vẫn đảm bảo năng suất.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ nhận định, phân bón tăng chủ yếu là các mặt hàng phân bón hóa học. Do đó, ông khuyên bà con nông dân, các HTX có thể chủ động bằng cách chuyển qua sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học vừa giảm chi phí và tác dụng tốt cho đất về lâu dài. Về kỹ thuật, từ trước tới nay nông dân có thói quen xấu là đợi khi gieo sạ và lúa bắt đầu lên chừng 10 - 15 cm rồi mới bón phân. Bón như vậy cây lúa chỉ hấp thụ được 50%, phần còn lại bốc hơi hết và gây hiệu ứng khí nhà kính; vừa lãng phí tiền của và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
“Bà con nông dân, HTX có thể thay thế bằng thói quen tốt là bón lót khi làm đất trước khi gieo sạ, phân bón sẽ nằm sâu trong đất để cây lúa sử dụng dần”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.