Nguồn: vietnambiz.vn
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong quý II, ngành cao su toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao khi nhu cầu từ các thị trường lớn tăng, trong khi nguồn cung giảm và giá dầu thô tăng cao.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất ô tô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng..
Thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… sẽ tiếp tục tăng và Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.
Trong quý I, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 87,8% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý I, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 356,51 nghìn tấn, trị giá 628,18 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 406,8 nghìn tấn, trị giá 715,39 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý I tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi.
Trong quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam với 280,23 nghìn tấn, trị giá 483,2 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 67,5% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với 28,76 nghìn tấn, trị giá 52,54 triệu USD, tăng 40,7% về lượng và tăng 41,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 7,3% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.