Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê có giữ được đà tăng trưởng trong quý II?
16 | 05 | 2022
Cục Xuất nhập khẩu dự báo quý II xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.

Nguồn: vietnambiz.vn

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 4, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 157,45 nghìn tấn, trị giá 362,3 triệu USD, giảm 25,4% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với tháng 3, so với tháng 4/2021 tăng 19,2% về lượng và tăng 47% về trị giá.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 739 nghìn tấn, trị giá 1,66 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 57% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

 Lượng cà phê xuất khẩu qua các tháng giai đoạn 2020 – 2022(ĐVT: nghìn tấn, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Tháng 4, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.301 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng 3 và tăng 23,4% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.245 USD/tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021.

 Diễn biến giá xuất khẩu bình quân cà phê qua các tháng giai đoạn 2020 – 2022 (ĐVT: USD/tấn, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Tháng 4 so với tháng 4/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Philippines giảm mạnh.

Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng tới 144,4% về lượng và tăng 218,3% về trị giá. 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Bỉ, Anh, Hà Lan tăng trưởng tới 3 con số.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo quý II xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3 và tháng 4 có xu hướng giảm do áp lực về nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao. 

Thị trường cà phê trong nước giao dịch khá trầm lắng trong tháng 4. Giá giảm xuống mức thấp, trong khi giá vật tư phân bón tăng cao. Ngày 28/4, giá cà phê robusta tại Việt Nam giảm 1.100 đồng/kg so với ngày 29/3, xuống mức thấp nhất 39.700 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 40.300 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, về dài hạn, giá cà phê được dự báo có nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là triển vọng cung - cầu.

Mới đây, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.

Trong khi tiêu thụ toàn cầu dự kiến đạt 170,3 triệu bao (loại 60 kg), tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ 2020-2021. Với dự báo này, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

 



Báo cáo phân tích thị trường