Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ICO: Giá cà phê tăng trở lại, nhu cầu dự kiến vượt nguồn cung
09 | 05 | 2022
Sau khi giảm trong tháng 3 do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá cà phê thế giới đã bật tăng trở lại vào tháng 4. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Nguồn: vietnambiz.vn

Giá tăng trở lại, thế giới dự kiến sẽ thâm hụt 3 triệu bao cà phê

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê tổng hợp toàn cầu được theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng 1,8% trong tháng 4 lên mức trung bình 198,4 US cent/pound, dao động trong khoảng 186,9 - 202 US cent/pound.

Nhìn chung giá của hầu hết các nhóm cà phê đều tăng trở lại với mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở nhóm arabica khác, tăng 2,7% lên 265,40 US cent/pound.

Giá của nhóm cà phê arabica Brazil và arabica Colombia cũng tăng 1,8 - 2,4%, đạt 226,1 US cent/pound và 292,6 US cent/pound. Giá cà phê robusta tăng không đáng kể 0,1%, đạt 104 US cent/pound.

Trên sàn New York, giá cà phê arabica tăng 1,3% so với tháng trước lên mức 225,4 US cent/pound. Trái lại, giá cà phê arabica trên sàn London giảm nhẹ 0,1% xuống 95,1 US cent/pound. Chênh lệch giá giữa hai sàn giao dịch theo đó tăng 2,4% lên 130,3 US cent/pound.

Giá cà phê tổng hợp thế giới được theo dõi bởi ICO

 Nguồn: ICO

Trong tháng 4, tồn kho arabica được chứng nhận trên sàn giao dịch kỳ hạn New York là 1,2 triệu bao và dự trữ robusta trên sàn London là 1,6 triệu bao, giảm lần lượt 2,4% và 4,3%.

Về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới, ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.

Trong khi tiêu thụ toàn cầu dự kiến đạt 170,3 triệu bao (loại 60 kg), tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ 2020-2021. Với dự báo này, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu cà phê của Brazil và Colombia giảm trong khi Việt Nam và Ấn Độ tăng mạnh

ICO cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 đạt 13,2 triệu bao, tăng 4% so với 12,7 triệu bao của cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 3/2022) xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm nhẹ 0,1%, xuống 66,2 triệu bao từ mức 66,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Trong 6 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 12,1% xuống 30,1 triệu bao. Trong giai đoạn này, các lô hàng từ Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới chỉ đạt 20,7 triệu bao, giảm tới 17,5% so với 25,2 triệu bao của cùng kỳ.

Tương tự, xuất khẩu cà phê của nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới là Colombia cũng giảm 8,6% xuống còn 6,5 triệu bao. Mặc dù vậy, trong tháng 3 xuất khẩu cà phê của Colombia đã có sự cải thiện khi tăng 1,3% lên 1,1 triệu bao.

Theo ICO, sản lượng vụ mùa hiện tại của Colombia tương đối thấp do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong khi Brazil cũng thu hoạch vụ mùa nhỏ hơn trong thời kỳ “trái vụ” của cây cà phê arabica. Mặt khác, cả hai quốc gia này còn phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê.

Trong khi đó, châu Á và châu Đại Dương đang là khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụt giảm sản lượng của Colombia và Brazil. Trong tháng 3, xuất khẩu của khu vực châu Á và châu Đại Dương đã đạt hơn 5 triệu bao, tăng mạnh 19,4% so với tháng 3/2021.

Theo ICO, đây là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương vượt mốc 5 triệu bao và cũng là lần đầu tiên khu vực này chiếm vị trí xuất khẩu hàng đầu của Nam Mỹ kể từ tháng 4/2018.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10 đến tháng 3)

 Nguồn: ICO

Tính chung 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tăng 19,4% so với niên vụ trước, chủ yếu do lực bán ra mạnh mẽ từ Việt Nam.

Chỉ tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới đã tăng 29,4% lên mức 3,6 triệu bao. Lũy kế 6 tháng đầu niên vụ, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 15,3 triệu bao, tăng 21,4% so với cùng kỳ.

Mức tăng mạnh này một phần là do cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức thấp (giảm 7,5%) do các vấn đề về hậu cần, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển ở các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu.

Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh bán ra khi các lô hàng xuất khẩu trong tháng 3 của nước này tăng 6,8% lên 725.000 bao và trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022 tăng 37,6% lên 3,5 triệu bao. 

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Indonesia giảm 22,1% trong tháng 3 nhưng tăng 1,6% trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (đạt 3,8 triệu bao).

Tại các khu vực khác, xuất khẩu cà phê của Trung Mỹ và Mexico trong tháng 3 giảm 10,1% xuống 1,91 triệu bao. Tuy nhiên, 6 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại xuất khẩu của khu vực này đã tăng 5,6% lên mức 6,5 triệu bao.

Xuất khẩu từ châu Phi cũng giảm 3,8% xuống 1,2 triệu bao vào tháng 3. Tính chung 6 tháng khu vực này xuất khẩu 6,2 triệu bao, giảm so với 6,3 triệu bao của niên vụ 2020-2021.

Nhu cầu cà phê hòa tan thế giới tăng mạnh

Trong tháng 3, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 11,8 triệu bao, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cà phê arabica Brazil và robusta ghi nhận mức tăng 3,9% và 7,8%. Các mức tăng này bù đắp cho sự sụt giảm 7,0% trong xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác.

Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã giảm 1,4% xuống 59,3 triệu bao. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ các lô hàng cà phê arabica Colombia và arabica Brazil với mức giảm lần lượt là 10,5% và 11,5%.

Tuy nhiên, xuất khẩu các lô hàng cà phê arabica khác tăng 11,4% trong khi cà phê robusta cũng tăng 7% lên mức 22,05 triệu bao.

Trái ngược với sự sụt giảm của cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục tăng mạnh 18,7% lên 1,3 triệu bao. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có tổng cộng 6,5 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, tăng 13% so với 5,8 triệu bao trong cùng kỳ của vụ trước.

Chủng loại cà phê xuất khẩu trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10 đến tháng 3) 

 Nguồn: ICO

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên 9,8% (tính trung bình 12 tháng) vào tháng 3/2022 từ 8,9% trong tháng 3/2021.

Trong 6 tháng qua, Việt Nam và Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu, tăng lần lượt là 167.000 bao và 108.000 bao so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Brazil, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng 265.000 bao.

Trong tháng 3, chỉ có duy nhất cà phê rang xay có lượng xuất khẩu giảm 2,1% xuống 78.000 bao.

 



Báo cáo phân tích thị trường