Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ICO: Báo cáo thị trường cà phê thế giới tháng 10/2017
10 | 11 | 2017
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9/2017 đạt 8,34 triệu bao, thấp hơn so với 9,8 triệu bao trong tháng 9/2016. Mặc dù sản lượng cà phê niên vụ 2016/17 giảm ở tháng cuối cùng của niên vụ, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu được ghi nhận ở mức kỷ lục 122,45 triệu bao, tăng 4,8% so với 116,89 triệu bao trong niên vụ cà phê 2015/16. Cụ thể, xuất khẩu nhóm cà phê ướt Colombia tăng trưởng 8% đạt 14,66 triệu bao, nhóm cà phê ướt khác tăng 15,6% đạt 27,02 triệu bao, nhóm cà phê chè Brazil tăng 2,6% đạt 35,84 triệu bao, riêng nhóm cà phê Robusta vẫn giữ nguyên lượng xuất khẩu so với năm ngoái ở mức 44,93 triệu bao. Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2016/17 được hồi phục và đạt 157,44 triệu bao, tăng 3,4% so với niên vụ 2015/16 nhờ vào sự tăng sản lượng cà phê đáng kể tại Honduras.

Giá chỉ số ICO bình quân trong tháng 10/2017 tiếp tục xu hướng giảm xuống còn 120,01 US cent/lb, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 khi giá lúc này chỉ đạt 119,91 US cent/lb. Giá cà phê giảm liên tục từ cuối tháng 8/2017, dù vậy giá tháng 10 cũng khá ổn định và chỉ giảm nhẹ vào cuối tháng. Trong tháng 10, giá chỉ số ICO biến động trong khoảng từ 118,36 US cent/lb và 122,79 US cent/lb, trung bình tháng đạt 120,01 cent/lb, giảm 4,45 UScent/lb so với tháng 9/2017.

Giá các nhóm cà phê Arabica đều cho thấy xu hướng giảm trong tháng 10 mặc dù có tăng nhẹ trong tuần đầu tiên của tháng. Cả 3 nhóm cà phê Arabica đều giảm từ tháng 9 với mức giảm trong tháng này của nhóm cà phê ướt Colombia, cà phê ướt khác và cà phê chè Brazil lần lượt là 4,8%, 4% và 3,9%. Trong khi đó, giá nhóm Robusta trong tháng khá ổn định với biên độ dao động từ 98,16 US cent/lb đến 99,46 US cent/lb, duy nhất ngày cuối cùng của tháng giá giảm mạnh xuống còn 94,62 US cent/lb. Như vậy, giá bình quân nhóm cà phê Robusta trong tháng 10 chỉ giảm 0,8% so với giá tháng 9/2017.

Trong tháng 10/2017, mức chênh lệch trung bình trên 2 sàn kỳ hạn New York và London cũng giảm 7,9% xuống còn 42,62 US cent/lb sau 3 tháng tăng liên tiếp. Trong khi đó, mức biến động chỉ số ICO trong tháng 10 cũng giảm thêm 0,5% điểm xuống còn 5,8%.

Các nước xuất khẩu cà phê đang bước vào thu hoạch cà phê niên vụ mới 2017/18. Theo thông tin sơ bộ mới nhất từ các quốc gia thành viên của ICO, ước tính sản lượng niên vụ 2016/17 được điều chỉnh tăng lên 157,44 triệu bao, tăng 3,4% so với năm 2015/16. Cụ thể, sản lượng cà phê Arabica tăng 14,7% đạt 101,55 triệu bao, trong đó sản lượng tất cả các nhóm Arabica đều tăng với nhóm cà phê ướt Colombia tăng 2,7% đạt 15,82 triệu bao, nhóm cà phê ướt khác tăng 15,6% đạt 30,29 triệu bao và nhóm cà phê chè Brazil tăng 18,1% đạt 55,44 triệu bao. Tuy nhiên ước tính sản lượng cà phê Robusta giảm 12,2% xuống còn 55,89 triệu bao. Sản lượng cà phê tăng chủ yếu tại các khu vực châu Phi với 5,3%, Mexico và Trung Mỹ với 16,3%, và các nước Nam Mỹ tăng 8,6% trong khi các nước châu Á bị giảm khoảng 9% trong niên vụ cà phê 2016/17. Sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng cà phê trong niên vụ qua tại khu vực Mexico và Trung Mỹ là nhờ sự đóng góp lớn về lượng cà phê từ Honduras với sản lượng được phục hồi mạnh mẽ từ sau đợt bùng phát dịch bệnh gỉ sắt và thời tiết thuận lợi.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 đạt 8,34 triệu bao, giảm so với 9,79 triệu bao cà phê trong tháng 9/2016. Mặc dù sản lượng cà phê niên vụ 2016/17 giảm ở tháng cuối cùng của niên vụ, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu được ghi nhận ở mức kỷ lục 122,45 triệu bao, tăng 4,8% so với 116,89 triệu bao trong niên vụ cà phê 2015/16. Xu hướng xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua tương đồng với xu hướng của sản lượng cà phê, theo đó cả 3 nhóm cà phê Arabica đều tăng như sau: xuất khẩu nhóm cà phê ướt Colombia tăng 8% đạt 14,66 triệu bao, nhóm cà phê ướt khác tăng 15,6% đạt 27,02 triệu bao, và nhóm cà phê chè Brazil tăng 2,6% đạt 35,84 triệu bao. Ở nhóm cà phê Robusta, mặc dù sản lượng giảm trong niên vụ vừa qua nhưng lượng cà phê xuất khẩu vẫn khá ổn định, đạt 44,93 triệu bao. Ngoại trừ Brazil và Việt Nam, top 10 các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đều tăng trưởng mạnh trong niên vụ 2016/17 so với niên vụ 2015/16.

Mặc dù lượng xuất khẩu của Brazil giảm 8,8% xuống còn 31,58 triệu bao trong niên vụ cà phê vừa qua, sản lượng của quốc gia này lại tăng đến 9,2% đạt 55 triệu bao. So với niên vụ 2015/16, số liệu sơ bộ về xuất khẩu cà phê xanh và cà phê hòa tan của Brazil đều giảm xuống còn lần lượt là 28,13 triệu bao và 3,43 triệu bao cà phê. Lượng cà phê rang xay xuất khẩu cũng được ước tính giảm nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ với chỉ 1% thị phần cà phê xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 5,5%/năm trong suốt 15 năm qua, mặc dù thường xuyên có sự biến động tăng giảm qua các năm. Tổng lượng cà phê xuất khẩu niên vụ 2016/17 ước tính giảm 6,4% xuống còn 24,76 triệu bao, tuy nhiên đây vẫn là lượng xuất khẩu lớn thứ 3 trong 15 năm qua. Xuất khẩu cà phê xanh ước tính giảm 12% xuống còn 22,79 triệu bao, chiếm 92% sản lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2016/17. Tuy nhiên lượng cà phê hòa tan xuất khẩu ước tính nhiều gấp ba năm trước. Dự tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2016/17 đạt 25,5 triệu bao, giảm 13% so với niên vụ trước. Đây là mức sản lượng thấp nhất kể từ vụ thu hoạch 2012/13.

Trong niên vụ 2016/17, sản lượng cà phê của Colombia ước tính đạt 14,5 triệu bao, tăng 3,5% so với niên vụ 2015/16. Sản lượng cà phê của Colombia tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây. Lượng cà phê xuất khẩu của quốc gia này cũng tăng tương ứng với xu hướng tăng của sản lượng, ngoại trừ niên vụ 2015/16 xuất khẩu giảm do cuộc đình công của những người lái xe tải chở cà phê. Tổng xuất khẩu cà phê Colombia tăng 9,6% đạt 13,49 triệu bao nhờ vào nguồn cung dồi dào trong niên vụ vừa qua. Cụ thể, lượng cà phê xanh xuất khẩu tăng lên 12,57 triệu bao, chiếm 93% tổng lượng hàng xuất khẩu, theo sau là cà phê hòa tan với 0,77 triệu bao, chiếm 6% thị phần cà phê xuất khẩu niên vụ 2016/17.

Xuất khẩu cà phê của Indonesia cũng tăng mạnh từ mức 6,12 triệu bao niên vụ 2015/16 lên 11,1 triệu bao trong niên vụ cà phê 2016/17. Số liệu sơ bộ về lượng cà phê xanh xuất khẩu đạt 8 triệu bao, tăng 32,6% và chiếm tới 72% thị phần cà phê xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê xanh tại Honduras tăng 41,8% lên mức kỷ lục 7,29 triệu bao trong niên vụ 2016/17. Sản lượng cà phê của Honduras tăng liên tiếp trong 3 niên vụ gần đây giúp nước này trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 trên thế giới niên vụ 2016/17. Các yếu tố thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng được cải thiện từ các dự án tái canh cây cà phê đã giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tại quốc gia này.

Sau khi tăng trưởng liên tiếp trong 2 năm vừa qua, ước tính lượng tiêu thụ cà phê thế giới ổn định ở mức 155,06 triệu bao, theo số liệu sơ bộ ban đầu niên vụ 2016/17. Trong khi sản lượng đầu ra của cà phê toàn cầu tăng trái ngược với sự ổn định của nhu cầu tiêu thụ, dự đoán niên vụ cà phê 2016/17 sẽ đạt được thặng dư sau 2 năm thâm hụt liên tiếp, với sản lượng vượt mức tiêu thụ 2,38 triệu bao. Khởi đầu niên vụ cà phê 2017/18, thị trường cà phê có nguồn cung đầy đủ nhờ lượng hàng tồn kho của niên vụ trước khá dồi dào.



Theo ICO
Báo cáo phân tích thị trường